Một buổi chiều xem ra chẳng đủ để đại diện hơn 20 Sở Xây dựng các tỉnh phía Bắc có mặt tại hội nghị giao ban tổ chức ngày 27/2 tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nói hết những trăn trở, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng ở địa phương. Có những vấn đề dù mới được đề cập sơ sơ mà cũng đã đầy ắp nỗi bức xúc.
Giám đốc Sở Xây dựng không biết đến… quy hoạch Đây là câu chuyện có thật mà ông Nguyễn Tiến Hóa – Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương – đề cập một cách ấm ức. Theo ông Hóa, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới (hiện đã được khởi công một số hạng mục) đi qua địa bàn Hải Dương do Bộ GTVT lập quy hoạch. Hẳn nhiên dự án này đã được tập trung nghiên cứu một số nội dung quan trọng như hướng tuyến, xử lý nền móng, GPMB… Nhưng bên cạnh đó còn có quá nhiều bài toán khác, theo ông Hóa, lại chưa được dự án đề cập cụ thể ví dụ như phát triển các đô thị và KCN dọc 2 bên tuyến đường, bài toán dân sinh cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ông Hóa được biết Chính phủ đã phê duyệt cho đơn vị triển khai dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới làm chủ đầu tư 4 KCN để đơn vị này tạo nguồn vốn đầu tư trở lại cho đường cao tốc nhưng 4 KCN này nằm chính xác ở vị trí nào trên địa bàn thì… Giám đốc Sở Xây dựng đến giờ vẫn không được biết. Ngành Xây dựng không “chân rết” ở cấp huyện, xã Đây rõ ràng là một câu chuyện cũ bởi nó được đề cập quá nhiều trong các hội nghị cấp ngành những năm qua. Ông Nguyễn Tiến Hóa kể câu chuyện khá hài hước. Nếu xét về chức năng của các phòng công thương cấp huyện (được coi là “chân rết” của một số ngành, trong đó có ngành Xây dựng) thì mỗi phòng này có khoảng 70 – 100 đầu việc. Theo Nghị định 13, riêng lĩnh vực xây dựng, phòng Công thương có 19 – 20 đầu việc. Việc nhiều như vậy nhưng toàn bộ quân số của phòng chỉ có 6 – 7 người, huyện nào đông nhất thì cũng chỉ 7 – 10 người. Vậy nên cán bộ phòng Công thương không nắm được hết việc cũng không quá bất ngờ. Khi chọn trưởng phòng, thường rất khó. Giải pháp tối ưu là chọn người mà cái gì (giao thông, công nghiệp, thương mại…) cũng biết một tý. Cũng đề cập đến câu chuyện đội ngũ cán bộ ngành Xây dựng ở địa phương, bà Bùi Thị Dửng – Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình bức xúc không kém. Lực lượng vốn đã ít nhưng tuyển không nổi. Theo chỉ tiêu, Sở có 43 biên chế nhưng sau 2 lần thi tuyển vẫn thiếu 2 biên chế. “Gần Thủ đô nên việc thu hút cán bộ khó khăn. Thiếu cán bộ sẽ phát sinh những bất cập trong triển khai quản lý ở địa phương” – bà Dửng nói. Ông Hà Xuân Quang – Giám đốc Sở Xây dựng Lạng Sơn cũng có tâm sự tương tự. Theo ông, Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, công tác tuyển dụng cán bộ ngành Xây dựng vốn rất khó khăn. Năm vừa rồi, thi công chức, 12 trong số 13 cán bộ tạm tuyển vào Sở Xây dựng làm việc đã bị “đánh rụng”. “Những người giỏi, khá thì họ đã ở lại thành phố lớn, chẳng về tỉnh. Nếu có về thì lập doanh nghiệp riêng chứ họ đầu quân vào ngành làm gì, lương “ba cọc ba đồng”. Thậm chí, nhiều trường hợp, anh em về làm việc, sau một thời gian đơn vị đào tạo, đủ lông đủ cánh thì họ lại xin đi. Mà họ đã xin đi thì lãnh đạo nào nỡ giữ, mà có giữ cũng chẳng được” – ông Quang bức xúc. Quy hoạch là việc của nhà giàu (?) “Tuyên ngôn” thật bất ngờ được phát ra từ chính người đứng đầu ngành Xây dựng Lạng Sơn – ông Hà Xuân Quang. Theo ông Quang, vốn cho quy hoạch mỗi tỉnh mỗi khác. Tỉnh nghèo, nếu không được Trung ương hỗ trợ, thì cũng làm quy hoạch được ít. Riêng Lạng Sơn, làm quy hoạch theo kiểu “bốc thuốc”. Ví dụ, lẽ ra quy hoạch đồ án này cần có 3 tỷ thì chỉ được duyệt chi 1 tỷ. Quy hoạch lập xong rồi thì cũng được thanh toán nhưng không theo quy định của Nhà nước (?!). Vấn đề nhận thức đối với công tác quy hoạch cũng được ông Quang đề cập. “Có những đồ án quy hoạch duyệt 5 năm rồi mà cũng chỉ triển khai 1 – 2 con đường. Con đường ấy theo quy hoạch (ví dụ) là 27m thì người ta lại nói “không cần làm to, lấy đâu ra tiền mà làm” và cứ thế tự thu nhỏ lại. Dân không biết cứ ngỡ là quy hoạch thay đổi. Hoặc biết nhưng giả không biết. Những công trình lớn thì còn e dè xây dựng đúng chỉ giới chứ nhà cấp 4 cứ sát đường (đã thu nhỏ) mà xây, gây nên nhiều bất cập trong công tác quản lý theo quy hoạch, cũng như lãng phí xã hội (nếu sau này giải tỏa). Cùng chung tâm sự nhà nghèo làm quy hoạch, bà Dửng cho biết: Hòa Bình hiện này vẫn chưa có quy hoạch vùng tỉnh và cực kỳ thiếu các đồ án quy hoạch chi tiết. Chia sẻ Tại hội nghị, đại diện Sở Xây dựng các địa phương còn đề cập đến một số vấn đề khác liên quan đến đơn giá xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình, vai trò thẩm định của Sở… Chia sẻ với những bức xúc của các địa phương, nhất là trong chuyện xuống cấp huyện xã, Ngành bị “mất chân tay”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nói: “Người có thể ít, nhưng phòng không thể không có các chức năng như Nghị định 13 ban hành. Thậm chí, không nhất thiết phải có phòng, chỉ cần có cán bộ là đã có thể giao chức năng quản lý nhà nước ngành Xây dựng được. Trách nhiệm quản lý đô thị đương nhiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng ngành Xây dựng cũng phải có trách nhiệm chuyên môn”. Bộ trưởng đặc biệt đề nghị các Sở phải nắm rõ chức năng nhiệm vụ của Ngành, trên cơ sở đó mới tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo tỉnh trong các quyết định liên quan. Bộ trưởng thừa nhận quy trình lập quy hoạch hay kinh phí lập quy hoạch hiện nay vẫn còn những bất cập. Những bất cập này sẽ được tháo gỡ thông qua Luật Quy hoạch đô thị đang được Bộ nghiên cứu soạn thảo và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2009. Nhưng có một điều cơ bản mà các Sở phải tham mưu rõ là kinh phí lập quy hoạch là kinh phí sự nghiệp. Tiền chi cho quy hoạch không phải là tiền đầu tư cho đầu tư xây dựng cơ bản. Trả lời câu hỏi liên quan đến quản lý chi phí xây dựng, Bộ trưởng một lần nữa khẳng định: Sẽ không có chuyện quay lại tư duy của thời bao cấp. Người tiêu tiền phải dám chịu trách nhiệm. Bộ Xây dựng hàng tháng chỉ công bố chỉ số giá để làm căn cứ, tham khảo. Bộ trưởng cũng lưu ý chức năng thẩm định thiết kế cơ sở của ngành Xây dựng không trùng với chức năng thẩm định dự án của ngành Kế hoạch & Đầu tư nên không có chuyện thẩm định 2 lần, gây chồng chéo cho chủ đầu tư. |
Hội nghị giao ban Sở Xây dựng các tỉnh phía Bắc: Đầy ắp bức xúc
82
Bài trước