Cấp nước an toàn ở Huế










Qua 2 năm thực hiện, dự án Hợp tác kỹ thuật Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực ngành cấp nước tại miền Trung giữa Cty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước TT-Huế (Cowasu) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã kết thúc, thu được kết quả cao trên 4 lĩnh vực: Quản lý chất lượng nước và xử lý nước; quản lý mạng cấp nước; đào tạo phát triển nguồn nhân lực và quản lý nhân sự; dịch vụ khách hàng và hoạt động cộng đồng. 






Đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại



Với sự giúp đỡ của JICA và Cục Nước Yokohama (Nhật Bản), Cty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước TT-Huế – COWASU – đã nâng cấp cải tạo các nhà máy cũ, đầu tư xây dựng nhà máy mới, thay thế hơn 90 km đường ống  kém chất lượng, thông rửa hơn 1.000 km đường ống; xây dựng kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất với các tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể cho mỗi công đoạn; đẩy mạnh cơ khí hoá, tự động hoá, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại như: Xử lý than hoạt tính, khử khuẩn bằng tia cực tím. Đến nay COWASU đã thiết lập được hệ thống bản đồ Mapping System. Loại bản đồ này giúp cập nhật và lưu trữ thông tin, các điểm chảy đều lưu trữ và cập nhật,  bản đồ chất lượng nước an toàn trên mạng và bản đồ giám sát ô nhiễm tại nguồn được thiết lập… lắp đặt các máy đo liên tục các chỉ tiêu pH, độ đục, Clo dư tại 5 nhà máy lớn và một số vùng trọng điểm trên mạng.



Ông Masuji IDE, Giám sát trưởng Dự án cho biết, phía JICA – Nhật Bản đã đầu tư cho dự án 1,3 triệu USD, trang bị 29 loại thiết bị, cử 17 chuyên gia tham gia dự án. 27 cán bộ Cowasu và 2 cán bộ UBND tỉnh TT-Huế được cử sang đào tạo tại Cục Nước Yokohama (Nhật Bản). Khoa học công nghệ hiện đại đã giúp Cty nâng cao chất lượng và quản lý tốt chất lượng nước.






Then chốt vẫn là con người



Theo ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt quyết định sự thành công của dự án. Ở đây phải hiểu phát triển nguồn nhân lực là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chứ không phải phát triển về số lượng, nhằm tập trung vào 4 mục tiêu: Quản lý chất lượng nước và xử lý nước; quản lý mạng cấp nước; đào tạo phát triển nguồn nhân lực và quản lý nhân sự; dịch vụ khách hàng và hoạt động cộng đồng. 



Xác định được điều đó, Cowasu đã lập kế hoạch và triển khai đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện nội quy lao động và quy trình tuyển dụng đào tạo, quy trình cải thiện công việc. Đến nay, đã tổ chức thi nâng, xác định bậc công nhân kỹ thuật cho 242 nhân viên thuộc lĩnh vực: vận hành tại các nhà máy, lắp đặt đường ống, kiểm tra đồng hồ, điện kỹ thuật, cơ khí, hàn và gia công, thợ nề, ghi thu. Tổ chức tập huấn cho 896 lượt nhân viên (trong đó huấn luyện kỹ thuật cho 297 người; huấn luyện phương pháp quản lý cho 599 lượt nhân viên).



Hiện nay, CBCNV của Cowasu đã làm chủ khoa học công nghệ, có thể phân tích đầy đủ 112 chỉ tiêu chất lượng nước, triển khai một số xét nghiệm nhanh các trường hợp ô nhiễm nguồn nước. Điều tra và lập bản đồ quản lý các nguồn gây ô nhiễm chính trong khu vực thượng nguồn các con sông đang khai thác.



Ông Nguyễn Tôn phân tích: Nếu trang thiết bị, công nghệ hiện đại đắt tiền mà con người không biết sử dụng thì rất lãng phí và không đạt hiệu quả. Đơn cử phòng thí nghiệm truyền dẫn kiểm tra chất lượng từng khu vực, bảng xử lý thông báo hàng trăm chỉ tiêu, nếu cán bộ không có năng lực thì chỉ xem thiết bị chứ không thể điều hành được nó.



Khoa học công nghệ hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến đã giúp Cowasu thành công và ngày 1/6/2008 Cowasu đã công bố cấp nước an toàn (CNAT) tại TP Huế và các vùng phụ cận và dự tính sẽ công bố CNAT toàn tỉnh vào 5/6/2009. Như vậy đến Huế, ta có thể uống nước tại vòi mà không cần qua đun nấu. Thành công trong cấp nước an toàn ở Huế là cơ sở triển khai cấp nước an toàn ở các tỉnh thành tiếp theo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *