– Cây cầu bộ hành bắc qua đường Trần Duy Hưng – một trong những tuyến đường rộng và đông xe cộ bậc nhất Thủ đô hiện nay – được “thai nghén” đã lâu chưa thể “ra đời”. Nguyên nhân chậm trễ không phải thiếu tiền. Cây cầu đang như chiếc cày được đẽo giữa đường, người này mong, người khác “tẩy chay”, cơ quan chức năng hết bàn phương án này lại phương án khác… Dự án cầu vượt cho người đi bộ này do Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (MPMU) làm chủ đầu tư, là một trong những cầu vượt thuộc Dự án đầu tư tăng cường an toàn giao thông sử dụng vốn dư sau đấu thầu của Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội giai đoạn I. Dự án cầu bộ hành này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ 30/6/2008. Hiện Ban quản lý (kể trên) đã duyệt xong thiết kế thi công, đang tiến hành đấu thầu.
Theo thiết kế của dự án được duyệt, cầu bộ hành được bố trí trước số nhà 38 Trần Duy Hưng, đối diện bên kia đường là Trường ĐH Lao động Xã hội. Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội khẳng định vị trí này là phù hợp, đáp ứng được nhu cầu đi bộ qua đường cho khu vực đông dân cư và học sinh, sinh viên này. Tuy nhiên, biết thông tin dự án này, ngày 27/2/2009, Công ty CP thương mại Thiên Hà (đơn vị đang khai thác, sử dụng khu đất 38 Trần Duy Hưng) đã phát công văn đề nghị dịch chuyển vị trí cầu bộ hành này ra khỏi mặt tiền khu đất 38 Trần Duy Hưng. Lý do của doanh nghiệp này là không muốn cầu vượt ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện nay cũng như dự án công ty sẽ triển khai trên khu đất này sắp tới. Vào địa điểm này (tháng 6/2009), khu đất 38 Trần Duy Hưng đang mở quán bia với mặt tiền dài; vỉa hè đỗ, dựng được nhiều xe; khách khá đông. Quán chỉ có 1 tầng nhưng xây kỹ, đẹp, chưa có “dấu hiệu” gì của việc triển khai dự án nào khác tại nơi này. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau khi Công ty Thiên Hà đề nghị, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu MPMU phối hợp Sở QH-KT kiểm tra, báo cáo việc này.
Sau đó, tại cuộc họp ngày 20/5/2009, đơn vị tư vấn (Công ty CP Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ giao thông) đã đề xuất 2 phương án để “cứu” mặt tiền 38 Trần Duy Hưng, thể theo nguyện vọng của Công ty Thiên Hà như sau: Phương án 1, dịch chuyển cầu vượt khoảng 42m so với vị trí cũ đã duyệt về phía nút giao thông phố Trung Kính cắt đường Trần Duy Hưng tại đường vào khu đô thị mới Trung Yên (trước số nhà 24 Trần Duy Hưng). Phương án 2, dịch cầu vượt khoảng 70m so với vị trí đã duyệt cũng về phía nút giao kể trên, tại khu vực đảo giao thông hình tam giác, lối rẽ từ đường Trần Duy Hưng và phố Trung Kính. Với 2 phương án này, mặt tiền 38 Trần Duy Hưng hoàn toàn “thoát nạn” cầu vượt, song theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Vũ Tuấn Định thì “lại chắn trước mặt các nhà dân mặt phố hiện có, dễ phát sinh thắc mắc, khiếu kiện khác“!
Oái oăm hơn, sau khi tư vấn đề xuất chuyển cầu bộ hành ra nút giao thông kể trên, thì nơi này sau quá trình phân lại làn đường Hà Nội của Sở GTVT vừa qua đã không còn là nút giao thông nữa. Dải phân cách đã kéo dài qua nút, nhằm hướng các phương tiện đi thẳng, đèn tín hiệu tại nút này cũng đang trở thành vô hiệu. Người dân khu vực cho biết, chính vì các dải phân cách đã được kéo liền suốt từ Nguyễn Chí Thanh sang Trần Duy Hưng, hơn lúc nào hết lại càng cần ít nhất một cầu bộ hành, bởi dường như các động tác phân làn này mới chỉ tính đến các phương tiện trên đường mà quên mất người đi bộ! Cuối cùng, thay vì “nhượng bộ” doanh nghiệp Thiên Hà để chuyển cầu bộ hành sang vị trí mới, khác hẳn dự án đã được phê duyệt – Sở QH-KT Hà Nội đưa phương án “công ty có thể phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu điều chỉnh cấu tạo thang lên xuống cầu vượt (thang cấu tạo 1 vế thành 2 vế) để giảm chiều dài thang, hạn chế ảnh hưởng mặt tiền khu đất cũng như các hộ dân hiện có xung quanh“.
Tuy nhiên, phương án điều chỉnh này cần sự thống nhất của MPMU, sau đó báo cáo Thành phố Hà Nội xem xét quyết định. Tại nội đô Hà Nội – nơi “đất chật, người đông” cần nhất những chiếc cầu vượt đi bộ qua đường – hầu như không còn mặt tiền không sử dụng. Nếu cứ “trên tinh thần nhượng bộ”, đặt cầu trước dự án công trình lớn không được, đặt trước nhà dân không xong – chắc rốt cuộc chỉ cổng trường, trụ sở cơ quan Nhà nước sẽ là nơi “hứng” sự án ngữ của cầu vượt mà thôi? Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cầu vượt cũng phải có quy hoạch, dựa trên lưu lượng, nhu cầu, mỹ quan đô thị và sự phân bố chính những cầu này trên các tuyến đường, chứ không thể quyết định hay dịch chuyển một cách cảm tính. Trong quy hoạch này, lợi ích cộng đồng cần đặt lên trên hết.
|
Cầu bộ hành chưa xây đã bị tẩy chay
0
Bài trước