Cháy ở chung cư – xoay xở thế nào?











Diễn tập chữa cháy nhà cao tầng ở Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Hải Ngọc.

Theo Nghị định số 35/2003/ NĐ-CP, nhà ở tập thể, nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà ở khác cao từ 7 tầng trở lên là những công trình thuộc diện phải thiết kế và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, từ Luật, Nghị định cho đến các Thông tư đã quy định và hướng dẫn đầy đủ, nhưng thực tế còn nhiều vấn đề bất cập.

Nhà tập thể cũ – ai quan tâm?


Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng, tại nhà C5, khu tập thể Trung Tự (Q.Đống Đa, Hà Nội), từ tầng 1 đến tầng 5 chỉ thấy số điện thoại quảng cáo thông bể phốt hay khoan cắt bê tông mà không có biển cảnh báo hay hướng dẫn PCCC. “Ở đây là khu tập thể cũ không có các thiết bị PCCC cơ bản chứ chưa nói gì đến bảo hiểm PCCC. Nhưng bác thấy người ta xây dựng bể nước ở đầu nhà C hơn chục năm rồi, nghe nói là để dự trữ nước PCCC” – ông Nguyễn Khắc Hiếu, phòng 513 nhà C5 tập thể Trung Tự cho biết. Ông Hiếu cũng băn khoăn: “Từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ thấy diễn tập hay kiểm tra bể nước gì cả. Cần phải kiểm tra và diễn tập thường xuyên, nếu không bất chợt xảy ra cháy nổ thì không biết phải làm thế nào”.

Còn ông Phạm Quang Bích, Tổ trưởng tổ dân phố số 23, P.Trung Tự, cho biết: Một số khu nhà khác trong khu tập thể Trung Tự, bà con cải tạo gầm cầu thang chung thành nơi đựng thiết bị PCCC và góp tiền mua các thiết bị PCCC nhưng riêng nhà C5 không có. Bà con nhà C5 cũng đã nhiều lần đề nghị cải tạo gầm cầu thang của nhà thành nơi đựng đồ PCCC nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Theo bác, cần có chủ trương, quy định của phường thì mới làm được, nếu không thì khó lắm.

Còn đô thị mới?


Còn ở một số khu đô thị mới như: Linh Đàm, Trung Hoà – Nhân Chính, Mỹ Đình, khu tái định cư Nam Trung Yên… đã được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC. Anh Hoàng Hải, nhân viên bảo vệ nhà Nơ3 bán đảo Linh Đàm cho biết “Nhà Nơ3 nói riêng và các Nơ khác trong khu bán đảo Linh Đàm đều có các thiết bị PCCC, biển cảnh báo chống cháy nổ. Chuông báo cháy đặt ở các tầng, có vấn đề gì xảy ra người dân bấm chuông, phòng điều hành sẽ nhận được tín hiệu và xử lý. Ngoài ra các tầng đều có nơi chứa thiết bị phòng chống cháy nổ như bình xịt, dây thoát hiểm… Tuy nhiên, các thiết bị này được trang bị đã lâu, giờ có cái đã bị han rỉ”.

Chị Hoàng Lan, nhà Nơ 10 cho biết: “Chúng tôi mới chuyển đến đã được bảo vệ dán ghi chú trước cửa phòng với lời nhắc nhở: ra ngoài tắt các thiết bị điện, bình, bếp gas để đảm bảo an toàn. Và chúng tôi thực hiện nghiêm chỉnh”.

Thiết bị PCCC được trang bị đầy đủ nhưng vấn đề của các khu đô thị mới lại là lối thoát hiểm và đường đi cho xe chữa cháy. “Nhiều khu đô thị hiện nay, lòng đường và vỉa hè, khoảng sân trống của khu nhà thành bãi đỗ ôtô. Ôtô đỗ tràn xuống lòng đường, nhiều khi xe máy đi lại còn khó, nếu có hoả hoạn lấy đâu đường đi cho xe cứu hoả chạy vào?” – bác Nguyễn Trung Hiếu bức xúc.

Theo ông Phạm Đình Trọng – Phó Cục trưởng Cục Bảo hiểm (Bộ Tài chính), bảo hiểm phòng chống cháy nổ là bảo hiểm bắt buộc nhưng nhiều chung cư cũ không ai quản lý, nên vấn đề phòng chống cháy nổ vẫn chưa được quan tâm thực sự.

Về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Cường – Trưởng phòng Quản lý Nhà ở, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết: Nói chung các công trình dự án khi đầu tư xây dựng bao giờ cũng có phương án phòng chống cháy nổ và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Nhưng hiện nay một số khu tập thể, chung cư cũ do Nhà nước xây dựng từ rất lâu, chưa có hạng mục PCCC, chỉ có luận chứng kinh tế kỹ thuật và hậu quả là công tác quản lý và phòng chống cháy nổ tại các tập thể, chung cư cũ chưa có”.



Theo Báo Xây dựng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *