Bài 9: Những quan điểm chỉ đạo của cuộc cải cách Những bất hợp lý trong việc đền bù cho nông dân khi thu hồi đất và tác động tiêu cực của nó là không thể phủ nhận. Từ việc chỉ ra những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó có thể kết luận: Cần có cuộc cải cách toàn diện và triệt để trong lĩnh vực này. Để có được những giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đền bù, hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất cho công nghiệp hóa (CNH), đô thị hoá (ĐTH), điều quan trọng trước hết là: thống nhất được những quan điểm chỉ đạo toàn bộ quá trình triển khai thực hiện. Theo chúng tôi, có thể nêu những quan điểm cơ bản như sau: Thứ nhất, cơ chế, chính sách tài chính của Nhà nước về đền bù, hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất phải nhằm tạo cho họ cơ sở kinh tế mới, việc làm mới và thu nhập bảo đảm đời sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất. Đây là quan điểm quan trọng nhất thể hiện tôn chỉ mục đích “do dân và vì dân” của Nhà nước ta. CNH, ĐTH là rất cần thiết, song không thể vì mục tiêu đó mà hy sinh lợi ích của hàng chục triệu nông dân – bộ phận chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số Việt Nam. Quan điểm chủ đạo này bao gồm những nội dung: a) Tạo cho nông dân có cơ sở kinh tế mới khi bị thu hồi đất cho CNH, ĐTH. Điều đó có nghĩa là, chính sách tài chính trong bồi thường cho nông dân khi bị thu hồi đất phải tạo ra nguồn tài chính đủ để nông dân có thể chuyển từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp hay dịch vụ và góp vốn vào Cty CP hoặc tham gia thành lập một DN mới, bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể; tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc trở thành thành viên góp vốn, cổ đông của một Cty được thành lập trên cơ sở dự án thu hồi đất của những nông dân này. Việc nông dân Việt Nam ngay lập tức trở thành chủ một DN, tức là thành lập ngay một DN mới, bao gồm cả loại hình hộ kinh doanh cá thể, khó có thể trở thành hiện thực một cách phổ biến. Song, sử dụng số tiền được đền bù do bị thu hồi đất để trở thành một thành viên góp vốn hoặc cổ đông của Cty thành lập trên cơ sở dự án được lấy đất bị thu hồi, từ đó có thể tạo việc làm cho các thế hệ nối tiếp của người nông dân bị thu hồi đất là phương án khả thi, cần được nghiên cứu, triển khai. b) Tạo cho nông dân có việc làm mới và có thu nhập bảo đảm đời sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất. Đối với người nông dân, việc làm và thu nhập bảo đảm đời sống cho chủ hộ và gia đình họ là mục tiêu quan trọng nhất. Đảm bảo việc làm cho người nông dân không có nghĩa là giao cho họ một mảnh đất khác để họ tiếp tục cày cấy theo phương thức tự sản tự tiêu như hiện nay. Yêu cầu đó có một nội dung rất rộng, bao gồm: – Bảo đảm cho người nông dân và các thế hệ nối tiếp của họ có việc làm mới, ổn định. Vì vậy, một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là đào tạo, dạy nghề cho nông dân và con, cháu họ. Đến lượt nó, việc đào tạo, dạy nghề lại đòi hỏi trước hết là nâng cao trình độ văn hóa cho nông dân. – Bảo đảm cho người nông dân và các thế hệ nối tiếp của họ có thu nhập để cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất. Nội dung này không chỉ gắn với chủ trương thu hồi đất cho CNH và ĐTH mà còn gắn liền với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta. Thứ hai, cơ chế, chính sách tài chính của Nhà nước trong đền bù, hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất phải bảo đảm được quyền của chủ sở hữu và quyền của người sử dụng. Cũng như những công dân khác của đất nước, người nông dân cũng được pháp luật xác lập những quyền rất cơ bản, trong đó có quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản. Trong lĩnh vực đất đai, quyền sở hữu thuộc về toàn dân do Nhà nước làm đại diện, người nông dân chỉ có quyền sử dụng. Song, những tài sản hình thành trên đất của người nông dân thì thuộc quyền sở hữu của họ. Vì vậy, cơ chế, chính sách tài chính của Nhà nước trong đền bù, hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất cho CNH, ĐTH phải có sự phân biệt giữa hai quyền này, cụ thể là: a) Với đất đai, có thể áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ. Bởi lẽ, theo Điều 105 Luật Đất đai năm 2003, quyền của người sử dụng đất ít hơn rất nhiều so với quyền sở hữu. Tuy nhiên, phương pháp xác định giá đất để bồi thường cần thay đổi một cách cơ bản. b) Những tài sản hình thành trên đất như nhà cửa, vật kiến trúc, vườn cây lâu năm thuộc quyền sở hữu của người nông dân. Với những tài sản này, cần áp dụng chính sách trưng mua hoặc mua lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ sở hữu. Chúng ta đã có khung pháp lý về trưng mua, trưng dụng với những quy định của Luật Dân sự và Luật Trưng thu, trưng mua tài sản. Vì vậy, không thể để tái diễn tình trạng, người nông dân trở thành “trắng tay”, không còn cả nhà ở và phải sống tạm bợ trong những căn nhà ổ chuột khi bị thu hồi đất cho CNH, ĐTH.
(Kỳ sau: Những quan điểm chỉ đạo của cuộc cải cách – tiếp theo)
Luật gia Vũ Xuân Tiền |
Chính sách bồi thường cho nông dân khi bị thu hồi đất – Cần cải cách triệt để và toàn diện (bài 9)
4