Kỳ 1: Sôi động đàm phán hành lang Sau mấy ngày trời kiệt sức, chán nản vì liên tục thất bại trong việc tìm mua đất “cắm dùi”, cuối cùng thì cơ hội cũng đến với người bạn tôi đang công tác tại một cơ quan Nhà nước ở tỉnh Bắc Ninh. Đó là vào các ngày từ 24 – 27/6, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất TP Bắc Ninh đấu giá công khai 536 lô đất của dự án Khu nhà ở Hòa Long – Kinh Bắc, trong đó bao gồm 3 loại đất: Chia lô, biệt thự và kinh doanh. Bám lấy cơ hội này, bạn tôi đăng ký đấu giá liền 2 lô đất chia lô. Chỉ khi buổi đấu giá diễn ra, bạn tôi mới nhận thấy, mình đã quá khiêm tốn.
Có thể nói, những ngày diễn ra các cuộc đấu giá thực sự là ngày hội. Người dân TP Bắc Ninh đổ dồn về Nhà Văn hóa thiếu nhi TP, địa điểm tổ chức đấu giá và nhanh chóng biến nơi này thành “chảo lửa”. Ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng sớm, sân nhà văn hoá đã chật ních người. Từng nhóm, từng nhóm nhà đầu tư (NĐT), thôi thì gồm đủ các thành phần cán bộ công chức, nhà kinh doanh, buôn bán, “cò” nhà đất, kẻ thất nghiệp, người già cả đã nghỉ hưu… chụm đầu bàn bạc, nghe ngóng thông tin. Mọi ngóc ngách từ tường, cột trụ đến tường rào, nhà bóng của Nhà văn hóa… đều được NĐT tận dụng dán tờ rơi nhằm tìm đến nhau, cùng nhau thương lượng trước khi lô đất chính thức được đấu giá. Trong tay mỗi người, điện thoại nóng ran vì quá tải cuộc gọi. Bạn tôi cũng vậy. Chứng kiến cảnh anh liên tục gọi điện mời các NĐT cùng đăng ký chung lô đất X bên hồ (thuộc khuôn viên Nhà văn hóa) tập trung thương lượng, chúng tôi không nhận ra người cán bộ Nhà nước hiền lành mà chúng tôi quen biết lâu nay nữa. Anh đã “hóa thân” trở thành một nhà kinh doanh năng động, sắc sảo, là người đại diện thương lượng của gần chục lô đất do chính anh và người thân trong gia đình đăng ký. Mặc dù bạn tôi và 9 NĐT cùng nhóm đã tìm được số điện của nhau nhưng việc bố trí thời gian đàm phán không dễ. Gọi được người này đến thì người kia đi mất. Bởi cũng như anh, họ đồng thời là người đại diện đấu giá nhiều lô đất. Mà lô đất nào chẳng cần phải đàm phán, thương lượng. Lắm khi, các nhóm buộc phải chấp nhận thương lượng qua điện thoại với NĐT vắng mặt do NĐT hoặc bận đàm phán ở nhóm khác hoặc đang trong phòng đấu giá lô đất khác… Tranh thủ thời gian ngắn ngủi giữa các cuộc gọi, bạn tôi giải thích vắn tắt ý nghĩa của việc đàm phán, thương lượng. Theo đó, công đoạn này cực kỳ quan trọng, nhằm tìm ra trong số các NĐT cùng đăng ký một lô đất NĐT quyết mua. Các NĐT còn lại sẽ nhượng lại quyền mua lô đất đó sau khi NĐT quyết mua đưa ra một cái giá mua chênh hợp lý. Tức là nếu thương lượng thành công, NĐT quyết mua chắc chắn sẽ được các NĐT còn lại dàn xếp giúp đấu thắng trong cuộc đấu giá lô đất chính thức với mức tối thiểu (tăng 10% so với giá sàn mà Hội đồng đấu giá QSD đất đưa ra) bằng cách cố ý đưa ra giá thấp hơn. Bù lại NĐT thắng mua sẽ phải chi ra một khoản tiền (tạm gọi là tiền chênh so với giá sàn) cho các NĐT đăng ký cùng lô đất. Khoản tiền này nhiều hay ít phụ thuộc vào độ hấp dẫn của lô đất. Theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường, thông thường, giá chênh (giá thương lượng) vào khoảng 50 – 80 triệu đồng/lô đất nhà chia lô, 80 -180 triệu đồng/lô đất biệt thự và đất dịch vụ. Như vậy, tất cả NĐT đều được hưởng lợi. Ngược lại, nếu không thương lượng thành công trước giờ đấu giá chính thức, vào phòng đấu thật, những NĐT “phá đám” có thể từng bước đưa giá lên cao khiến NĐT quyết mua có thể sẽ phải mua lô đất với giá đấu lên rất cao. NĐT phá đám chẳng được gì, thậm chí có nguy cơ phải bỏ cả tiền đặt cọc (10 triệu đồng/1 lô đất chia lô, 30 triệu đồng/1 lô đất biệt thự, 40 triệu đồng/1 lô đất dịch vụ) khi tự đẩy giá quá cao khiến đối thủ bỏ cuộc trong khi giá đó lại nằm ngoài khả năng mua của chính NĐT phá đám. Các NĐT còn lại trong nhóm cũng chẳng được gì. Chính vì vậy việc thành – bại trong đấu giá mỗi lô đất phụ thuộc vào kết quả thương lượng bên ngoài… phòng đấu chính thức. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi “nhiệt” bên ngoài phòng đấu giá dữ dội hơn rất nhiều. Điều này giải thích vì sao bất chấp nắng nóng, bất chấp biển người mênh mông, các NĐT không ngừng nỗ lực tìm đến nhau. Họ hoặc lần tìm theo địa chỉ của người đăng ký đấu giá, hoặc dán tờ rơi. Chúng tôi chứng kiến, có không ít trường hợp, đến sát giờ đấu giá chính thức rồi mà nhóm chưa tìm đủ NĐT cùng đăng ký chung lô đất. Nóng ruột, NĐT có mặt buộc phải dùng đến biện pháp thủ công. Tay giơ cao tờ rơi (nội dung nêu vắn tắt lô đất, còn thiếu bao nhiêu NĐT, địa điểm tập trung), vừa bước len lỏi giữa đám đông vừa rao gọi… Kỳ sau: “Chảo lửa” |
Chuyện đấu giá quyền sử dụng đất ở Bắc Ninh
120