Trang chủ » Dự án cải tạo chung cư cũ: Nguy cơ chậm tiến độ

Dự án cải tạo chung cư cũ: Nguy cơ chậm tiến độ

bởi Kien Truc - Kientruc.vn










Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2015, Hà Nội phải hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ (CCC). Tuy nhiên, xét đến thời điểm này, khi mà chỉ có một vài dự án mới được khởi công xây dựng thì rõ ràng TP cần phải nhìn nhận lại cũng như đưa ra những giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án.



Dự án tại khu trung tâm thì nhiều DN xin làm chủ đầu tư.




Có cơ chế vẫn chậm



Dự án cải tạo khu Nguyễn Công Trứ được triển khai 7 năm, cho tới cuối tháng 6 vừa rồi mới đưa được gần 30 hộ dân đến nơi tạm cư. Dự án cải tạo khu B Kim Liên cũng mới khởi công xây dựng được nhà B14, cùng một thời điểm nhưng cho tới nay nhà B4 cũng vẫn chưa thực hiện xong GPMB do một số hộ dân tầng 1 chưa đồng thuận với phương án đền bù, hỗ trợ. Dự án nhà I1, I2, I3 Thái Hà đã khởi công xây dựng. Những dự án trên được coi là tiến triển nhất trong các dự án cải tạo chung cư cũ của TP. Còn hàng chục các dự án khác gần như vẫn giậm chân tại chỗ, trong đó có rất nhiều các dự án lớn như cải tạo khu Văn Chương, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thanh Xuân, Khương Thượng…



Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thực tế tiến độ triển khai của hầu hết các dự án cải tạo xây dựng lại CCC đều rất chậm. Hiện nay các DN được TP giao làm chủ đầu tư các dự án chủ yếu vẫn trong quá trình khảo sát, điều tra xã hội, lập quy hoạch. Giai đoạn trước, chậm triển khai các dự án cải tạo CCC được đổ lỗi cho việc TP chưa có quy chế khung về cải tạo CCC. Tuy nhiên gần một năm nay, khi TP đã ban hành QĐ 48/2008/QĐ-UB về cải tạo, xây dựng lại CCC, thì các dự án vẫn chậm triển khai.




Cần giải pháp đột phá



Biện pháp trước hết để đẩy mạnh các dự án cải tạo CCC theo Sở Xây dựng đề xuất đó là đổi các chủ đầu tư chậm triển khai, giao cho các đơn vị khác thực hiện dự án. Cụ thể như thu hồi dự án cải tạo, xây dựng khu A Ngọc Khánh của Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội; thu hồi dự án khu B Ngọc Khánh, khu Khương Thượng của Cty TNHH Nhà nước MTV Kinh doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội; thu hồi dự án khu Văn Chương của Cty CP Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội giao cho đơn vị khác đủ năng lực thực hiện… Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia cũng như nhiều DN, TP cần sớm đưa ra những giải pháp có tính đột phá mới có thể tạo được sự khả thi của các dự án này. Cụ thể nhiều ý kiến cho rằng, mỗi khu chung cư có những đặc thù về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quản lý đất đai, xây dựng khác nhau nên cùng với việc áp dụng cơ chế chính sách khung là QĐ 48, TP cần ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù cho từng khu. Ví dụ như có những khu trung tâm, DN nhìn vào đó là thấy lợi và sẵn sàng xin làm chủ đầu tư. Nhưng có những khu như Nguyễn Công Trứ, Quỳnh Mai, Nghĩa Tân hay Thanh Xuân… diện tích cơi nới lấn chiếm rất lớn, rất khó khăn trong công tác GPMB, hỗ trợ, đền bù, nếu đáp ứng đúng chỉ tiêu quy hoạch thì chủ đầu tư sẽ bị lỗ. Vì vậy, cần phải có cơ chế đặc thù để vừa thu hút nhà đầu tư, vừa bảo đảm lợi ích cho người dân. Có ý kiến lại cho rằng, ở những khu do yêu cầu quy hoạch không thể nâng cao thêm tầng hoặc hạ tầng kỹ thuật, xã hội kém, không thu hút được nhà đầu tư thì TP cần có giải pháp triển khai đầu tư trực tiếp để bảo đảm mục tiêu chỉnh trang đô thị cũng như cải thiện cuộc sống cho người dân.



Theo các DN, việc linh hoạt các chỉ tiêu quy hoạch, đưa ra những chỉ tiêu hợp lý về chiều cao sẽ là giải pháp để giúp các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án, đáp ứng yêu cầu về tái định cư, cải thiện chỗ ở mới cho người dân cũng như khả năng cân đối tài chính cho dự án.




Kiên quyết với các hộ chây ỳ



Theo Nghị quyết 34 của Chính phủ, QĐ 48/2008 của UBND TP Hà Nội cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng, với 2/3 số hộ dân đồng thuận là đủ cơ sở để triển khai dự án cải tạo CCC. Tại dự án cải tạo, xây dựng nhà B4 Kim Liên, trong khi các hộ từ tầng 2 trở lên đã di dời, bàn giao mặt bằng từ rất lâu thì các hộ tầng 1 vẫn cố tình trì hoãn không bàn giao với lý do đòi được bồi thường cả phần diện tích cơi nới theo giá thị trường… Dự án vì vậy mà chậm tiến độ trong niềm mong mỏi và bức xúc của những hộ dân đã di dời. Hầu hết các dự án khác cũng đều vấp phải sự phản đối của các hộ dân tầng 1 – những hộ đã được hưởng nhiều lợi nhuận với phần diện tích cơi nới – hoặc những hộ dân lấn chiếm trên đất lưu không.



Trước thực trạng trên Sở Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra kiến nghị, trên cơ sở các Nghị quyết của Chính phủ và quy định của TP, cần thống nhất quan điểm phải có giải pháp hành chính cần thiết đối với một số hộ dân cố tình đưa ra những yêu sách không phù hợp với quy định, cản trở tiến độ của dự án sau khi đã có các giải pháp bồi thường, hỗ trợ hợp tình hợp lý trên cơ sở đồng thuận của đa số hộ dân.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.