Trang chủ » Hàng loạt tai nạn trên các công trường xây dựng Hà Nội

Hàng loạt tai nạn trên các công trường xây dựng Hà Nội

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Bài 1: Đằng sau những cái chết oan nghiệt

UBND Tp Hà Nội vừa có công văn thúc giục các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, có kết luận về những tai nạn lao động tại công trường Hanoi Landmark Tower do Tập đoàn Keangnam Vina của Hàn Quốc đầu tư và yêu cầu phía Keangnam phải chấp hành nghiêm luật pháp Việt Nam. trong khi chưa có câu trả lời chính thức cho việc này thì phóng viên báo XD&pL lại nhận được thông tin tại công trường khách sạn Hà Nội plaza (KS Hp) 117 trần Duy Hưng cũng đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn chết người.  Điều đáng nói là thông tin về những vụ tai nạn chết người đó đã được che giấu khá kỹ càng.


Công nhân làm việc ở tầng cao không phương tiện ATLĐ

Từ cái xác chết thối dưới tầng hầm

Công trường KS Hp do tập đoàn Charmvit, Hàn Quốc làm chủ đầu tư, cách công trường tòa nhà cao ốc Keangnam chỉ khoảng 1km. trong khi cái chết của 6 công nhân đang làm việc ở Keangnam vẫn đang gây hoang mang cho người dân thì đến lượt công trình KS Hp lại xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn chết người trong khoảng thời gian ngắn, khiến cho dư luận phải đặt câu hỏi: Tại sao các công trình đầu tư nước ngoài lại xảy ra nhiều tai nạn như thế? phải chăng chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho những công nhân đang lao động tại công trình?

Anh Nguyễn Quân, công nhân đã làm ở KS Hp trên 2 năm cho biết: Những công nhân làm việc ở công trường chủ yếu là những nam thanh niên không nghề nghiệp, không có trình độ chuyên môn. Họ ở các vùng quê khác nhau lên thành phố mưu sinh, ai thuê gì thì họ làm đó. Làm việc ở công trường thì tính theo ngày công, đi làm ngày nào thì tính tiền ngày đó, không làm thì không có tiền”. Bởi vậy việc họ không được đóng bảo hiểm xã hội, không được thực hiện đầy đủ các chế độ khám sức khỏe định kì, không được tổ chức huấn luyện, nhắc nhở các biện pháp nghiệp vụ ATLĐ cũng là điều dễ hiểu.

Nhớ lại vụ tai nạn chết người cuối năm 2009, anh Quân vẫn chưa hết bàng hoàng: “Khi tôi tới nơi thì thấy xác nam công nhân này đang trong quá trình bị thối rữa dưới tầng hầm. Xác chết bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tay, mũi và cổ của người này cũng đã bị sứt mẻ, không còn lành lặn vì bị chuột gặm nhấm, ăn thịt”. Nam công nhân này làm ở bộ phận thạch cao, quê ở phú Thọ mới xin vào làm việc ở công trường. Xác chết được phát hiện sau 4 ngày khi người nhà của nạn nhân, quê ở phú Thọ vào công trường tìm hỏi thăm. Do tìm mãi không thấy nên mọi người mới cuống cuồng đi lục soát khắp công trường và phát hiện thấy xác nạn nhân chết nằm vùi dưới tầng hầm. “Lúc phát hiện thấy xác người này, chúng tôi đã gọi quản lý ở công trường xuống để họ biết. Khi đó không đội nào nhận trách nhiệm. Xác của công nhân này được chuyển ra ngoài. Còn sau đó vụ việc diễn ra như thế nào thì tôi cũng không nắm rõ”.

Đến hàng loạt cái chết oan uổng

Hẳn mọi người vẫn còn nhớ chỉ trong vòng 1 tuần lễ từ ngày 20/7/2009-27/7/2009 tại công trường tòa nhà Keangnam đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động liên tiếp làm 4 người chết và 3 người bị thương gây nhiều hoang mang cho những công nhân đang làm việc ở công trường này. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, công trường này lại tiếp tục được thi công để rồi sau đó không lâu lại 2 công nhân nữa tại công trường tử nạn bởi những lý do… không đâu! Chuyện tương tự như vậy cũng đã xảy ra ở KS Hp. Chỉ sau cái chết thương tâm của công nhân quê phú Thọ (không rõ tên) mà 4 ngày sau mới tìm thấy xác, thì một tai nạn khác lại xảy ra làm một người thiệt mạng. Vụ việc xảy ra vào khoảng 11h10’, ngày 30/1/2010 trong lúc đang đục đẽo bê tông ở tầng cao để cho các công nhân khác gán gạch vào tường thì nam công nhân này rơi từ tầng 17 xuống và chết ngay tại chỗ. “Tôi tận mắt chứng kiến xác nạn nhân nằm trong vũng máu bê bết ở sàn nhà tầng 5. Sau đó thì xác người này được chuyển đi nơi khác” anh phạm Thương, một công nhân làm việc ở đây kể lại. Nam công nhân xấu số này còn rất trẻ, 19 tuổi, quê ở Thanh Hóa, tên Hoàng Văn Thành làm ở bộ phận nhôm kính. Khi phóng viên đặt câu hỏi: Sau những cái chết của những  công nhân ở công trường thì bên nhà thầu có siết chặt công tác đảm bảo ATLĐ cho công nhân? thì các công nhân làm việc ở đây chỉ biết… gật gù cười khà. Họ bảo rằng: “Chả có cái gì! chết thì đền tiền là xong thôi!”. 9h sáng ngày 9/3/2010 một vụ tai nạn chết người nữa lại xảy ra. Nạn nhân lần này là anh Nguyễn Khải Hoàn, quê ở Hưng Yên, công nhân ở bộ phận điện, mới tốt nghiệp cao đẳng và vào làm thử việc ở công trường được 2 ngày thì chết do rơi từ tầng 16 xuống tầng hầm B2. Chưa dừng lại ở đó, anh Hoàng Quốc Việt, nhân viên ở công trường còn kể cho chúng tôi nghe một vụ tai nạn khác do anh chứng kiến, xác nạn nhân cũng nhanh chóng được chuyển đi một cách êm thấm “Nam công nhân này làm ở bộ phận bê tông, đang buộc thép lắp kính thì rơi từ tầng 8 xuống hố đất. Hôm sau thì gia đình nạn nhân kéo tới làm ầm cả công trường”. Anh Sơn, 40 tuổi, công nhân ở công trường cung cấp thêm: Cuối năm 2009 trước vụ công nhân bị chết 4 ngày mới thấy xác còn có vụ công nhân chết do rơi tầng 16 xuống chết và mắc kẹt ở khúc vận thăng ở tầng 8 tòa nhà. Anh Sơn vẽ chi tiết tỉ mỉ tình huống nạn nhân này chết cho chúng tôi hình dung. “Công nhân này ra đục mảnh bê tông  làm rơi cả mảng tam giác bê tông mắc ở tầng 8 và chết treo ở đó. Nếu không có thanh chắn ở cầu thang vận hành thì xác công nhân đã rơi xuống tầng hầm rồi”.

Nhà chức trách nói gì?

trao đổi với pV XD & pL, bà Nguyễn Thị phúc, phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Tp Hà Nội, trưởng đoàn thanh tra dự án Keangnam cho biết: Sau khi thanh tra toàn bộ dự án về công tác đảm bảo ATLĐ cho công nhân ở công trường này đã phát hiện hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng về ATLĐ như: Không lập và duyệt biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, không báo cáo định kỳ và khi xảy ra tai nạn thì không báo cáo, hoặc báo cáo không kịp thời cho Thanh tra lao động.

Còn ông phan Văn Mậu, phó Thanh tra Sở LĐTB&XH Tp Hà Nội thì cho biết: Tại công trường khách sạn Hà Nội plaza cũng đã vi phạm nhiều điều luật lao động. “Về các vụ công nhân chết ở khách sạn công trường này, cho đến thời điểm này Sở cũng chỉ mới nắm được 2 nạn nhân chết đó là trường hợp của Thành và Hoàn (2 trường hợp này chúng tôi đã phản ánh ở trên- pV). Còn về vụ chết người 4 ngày sau mới thấy xác khi đó bị chuột gặm tôi cũng chỉ nghe phong thanh là có, còn chính thức kết luận điều tra như thế nào thì tôi không biết”. Ông Mậu khẳng định: Nếu đúng là có nhiều công nhân chết ở công trường này như các báo phản ánh, chúng tôi sẽ cho người kiểm tra và xác nhận lại thông tin này.

Sự thật về việc các nạn nhân đã bị tử nạn ở đây như thế nào? Gia đình nạn nhân phản ứng ra sao trước cái chết oan uổng của con em mình? XD & pL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong số báo tiếp theo.

Danh sách CN bị chết ở công trình tòa nhà Keangnam:

1. Lâm Văn Hiền, SN 1986, Nam Định

2.  Võ Ngọc Hường, SN 1968, Quảng Nam

3. Hoàng Văn Tạo, SN 1966, Hòa Bình

4.  Bùi Văn Dương, SN 1987, Hòa Bình

5. Lê Đức Thắng, 36 tuổi, Nam Định

6. Vũ Tiến Lâm,  25 tuổi, Nghệ An

 

Danh sách CN bị chết tại công trình Hà Nội plaza (chưa đầy đủ)

1. Hoàng  Văn Thành, SN 1991, Thanh Hóa

2. Nguyễn Khải Hoàn, SN ?, Hưng Yên

3. Một nạn nhân quê phú Thọ bị tai nạn chết cuối năm 2009 (không rõ tên)

4. Hai nạn nhân ở bộ phận bê-tông bị tai nạn chết cuối năm 2009- không rõ tên, không rõ quê quán

Kỳ sau: Nếu người chết biết nói

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.