Văn bản số 465/BC-BKH trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư FDI trong ba năm 2006-2008 và định hướng thu hút FDI cho năm 2009-2010 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) đã nêu rõ: Ðịnh hướng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hai năm 2009 – 2010 là không cấp phép cho những dự án có công nghệ lạc hậu hoặc tác động xấu tới môi trường. Bộ KH&ÐT khẳng định chủ trương kiên quyết không cấp phép tràn lan cho những dự án có công nghệ lạc hậu, tác động xấu tới môi trường, thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất và tránh việc lập các dự án quá lớn, chiếm dụng đất, cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất. Các địa phương cần tiến hành thủ tục hồi đất và giấy phép đầu tư đối với các dự án FDI không có khả năng triển khai hoặc chưa có kế hoạch sử dụng hết diện tích đất được giao để chuyển cho các dự án mới, hiệu quả hơn. Bộ KH&ÐT cũng đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn chỉnh và công khai rộng rãi quy hoạch sử dụng đất. Bộ này sẽ tổng rà soát điều chỉnh và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2010 làm cơ sở thu hút FDI. Trong đó, sẽ ưu tiên các lĩnh vực cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường và hệ thống đường bộ cao tốc bắc-nam, hai hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, hệ thống đường sắt cao tốc bắc – nam, đường sắt kết nối các cụm cảng biển lớn, các mỏ khoáng sản lớn với hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt nội đô thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Về vấn đề phân cấp cho các địa phương, Bộ KH&ÐT đề nghị phải xem xét lại chủ trương phân cấp toàn diện theo quy định như hiện nay. Bởi lẽ, nhiều địa phương đã cấp phép tràn lan, khai tăng vốn đăng ký để có thành tích. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cần huy động đến năm 2010 là 160 tỷ USD, trong đó FDI cần đạt khoảng 25,1 tỷ USD, trung bình là hơn 5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của FDI trong ba năm qua đã vượt xa so với mục tiêu này. Dự báo năm nay và năm 2010, Việt Nam có thể thu hút FDI tối thiểu 20 tỷ USD/năm, đưa tổng FDI cho cả giai đoạn 5 năm lên tới 135 tỷ USD. Thậm chí, các địa phương cạnh tranh nhau không lành mạnh, cùng cấp quá nhiều giấy phép đầu tư cho các dự án cùng một loại sản phẩm mà không tính đến quy mô thị trường hoặc chạy đua cấp phép các dự án quy mô cỡ tỷ USD nhưng lại không thẩm định kỹ năng tài chính của chủ đầu tư. Những hạn chế này bộc lộ rõ rệt nhất ở việc cấp phép cho các dự án thép, sân gôn, cảng biển. Kết quả cuộc tổng rà soát các dự án FDI năm 2008 đã cho thấy, hệ thống giao thông khu vực kinh tế trọng điểm là vấn đề nổi cộm nhất do không đáp ứng kịp nhu cầu vận chuyển và xuất khẩu hàng hóa trong khu vực. Cụ thể, đường 51 nối hệ thống cảng ở khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) tới các khu công nghiệp và các đô thị trong toàn vùng, đường 965, cầu và đường liên cảng nối hệ thống cảng nước sâu ở khu vực Cái Mép – Thị Vải với quốc lộ 51 chưa hoàn thiện, là mối lo ngại lớn cho các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu và các nhà đầu tư cảng. Hiện khu vực này có bốn dự án cảng liên doanh với nước ngoài, có tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, đang triển khai thi công xây dựng bằng đường thủy nhưng lại chưa có đường và cầu nối với bên ngoài. Trong nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư, dự kiến Bộ KH&ÐT sẽ có chương trình vận động thu hút FDI đối với riêng các tập đoàn lớn, đa quốc gia và đối với các đối tác trọng điểm như các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. |