Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII: Đề cao nghĩa vụ tài chính với bảo vệ môi trường

Luật Khoáng sản (sửa đổi): Bổ sung mới toàn bộ 87 điều

Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục làm việc về Dự án Luật Khoáng sản. Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ TN&MT phạm Khôi Nguyên trình bày, kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản thời gian qua cho phép đánh giá một số loại khoáng sản ở nước ta có tiềm năng quy mô tầm cỡ thế giới như: bauxit, titan, đất hiếm, đá hoa trắng, đá nguyên liệu xi măng… đủ điều kiện để hình thành một số ngành khai thác, chế biến khoáng sản mũi nhọn. Tuy nhiên nhiều văn bản pháp luật về DN, đầu tư, bảo vệ môi trường, đất đai đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong khi các quy định có liên quan của pháp luật về khoáng sản vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ. Nhiều quy định của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế; việc cấp phép hoạt động khoáng sản vẫn mang nặng cơ chế “xin-cho”; nội dung phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản chưa hợp lý…

Dự thảo lần 6 Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này có 87 điều được thể hiện trong 11 chương. trong đó có 53 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và 34 điều được sửa đổi, bổ sung.

Về chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản, quy hoạch khoáng sản, điểm mới trong Dự thảo Luật này đã bổ sung quy định liên quan đến chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, xây dựng quy hoạch khoáng sản nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác lập quy hoạch như hiện nay.

Thuế và phí môi trường cùng song song tồn tại

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình CNH và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái. Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế nước ngoài, nếu GDp tăng gấp đôi và không kịp thời có các giải pháp giảm dần tình trạng  phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm tăng gấp 3 – 5 lần.

Tuy nhiên, việc ban hành và thực thi chính sách về bảo vệ môi trường ở Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được xác định đầy đủ, bao quát, tính hiệu lực chưa cao, dẫn đến ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức, cá nhân còn rất thấp. Mức thu từ phí bảo vệ môi trường lại rất hạn chế, không đủ sức ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm, dẫn đến nhiều hành vi gây tác động nghiêm trọng đến môi trường không được xử lý nghiêm minh.

Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường bao gồm 4 chương, 14 điều. Theo đó chính sách tài chính môi trường tồn tại hai khoản thu là thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường. Hai khoản thu này tính chất hoàn toàn khác nhau. Thuế môi trường thu vào các sản phẩm mà khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng là người chịu thuế nhưng người sản xuất, nhập khẩu là người nộp thay. Còn phí bảo vệ môi trường thu vào hành vi xả chất thải ra môi trường. Người chịu phí và người nộp phí bảo vệ môi trường là người xả thải ra môi trường.

trong quá trình lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội, DN… một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm nhiều đối tượng chịu thuế như các sản phẩm gây ô nhiễm như sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất xi măng… Với các ý kiến này, theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại các DN, hộ gia đình khi sản xuất, sinh hoạt  phát thải chất gây ô nhiễm môi trường gồm chất thải rắn, nước thải, khí thải. Các chủ thể này đã phải chịu các khoản phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, DN khai thác khoáng sản còn phải nộp thêm phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Vì vậy dự thảo luật này chỉ quy định đối tượng chịu thuế  bảo vệ môi trường là một số hàng hoá gây tác động xấu đến môi trường, không thu thuế vào quá trình sản xuất sản phẩm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phùng Quốc Hiển, đối chiếu với mục tiêu ban hành luật thì còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện như tác động của chính sách đối với sản xuất, kinh doanh; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật;  mục tiêu khai thác nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Dự kiến, Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2010).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *