Tân cổ điển là tên của một trào lưu nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thị giác, văn học, âm nhạc và kiến trúc lấy cảm hứng từ văn hóa và nghệ thuật cổ điển phương Tây (thường là của Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại). Trào lưu Phong cách Tân cổ điển này thống trị bắc Âu từ giữa thế kỷ 18 tới cuối thế kỷ 19.
Tân cổ điển là gì?
Tân cổ điển trong văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc, phát triển như một lời đáp trả đối với Rococo, một trào lưu được cho là quá lố và nông cạn. Về mặt kiến trúc, trào lưu Tân cổ điển có những nét tương đồng với kiến trúc cổ điển và kiến trúc Phục hưng, bao gồm tính trật tự và giản đơn, về mặt nghệ thuật, trào lưu này được khuôn mẫu theo những tác phẩm của thế giới cổ điển, thường bao gồm các đề tài chính trị về chiến tranh và lòng dũng cảm. Trên thực tế, các tác phẩm Neoclassicism phong phú, linh hoạt và khó có thể tìm ra được điểm đồng nhất tuyệt đối.
Trong hội họa
Vào cuối thế kỉ 18 đầu TK 19, hội họa chính thống ở châu Âu thường thích những gam màu đậm, sâu và những bóng đổ tối. Thiên nhiên hoặc lâu đài cổ thường được sử dụng chủ yếu làm nền cho chủ đề của bức tranh. Nó được thay đổi hoặc trang trí thêm để phù hợp nhất cho các buổi diễn kịch, có lẽ là một khoảng không của bầu trời bao la hay bão tố bị phân chia bởi những vệt sáng của mặt trời, cũng có thể là một khu vườn được tỉa gọn đẹp đẽ chăm chút nhưng chứa đựng những vết tích của sự huỷ hoại lịch sử.
Bố cục tranh cổ điển thường mang kịch tính và đồ sộ, tập trung vào hành động trung tâm hoặc những đặc điểm của nhóm nhân vật. Những đặc điểm này được phóng đại so với thực tế và thường bao gồm những con người thời cổ Hy Lạp hoặc Đại Cách mạng Pháp. Nét vẽ cổ điển thường được sơn phết một cách tỉ mỉ, với bề mặt mịn, mục đích để dấu đi những vệt màu của họa sĩ. Chúng được tạo thành để gây ra ảo giác giúp cho người xem tưởng tượng ra có thể nhìn xuyên qua khung tranh và đi vào thế giới thật trong tranh. Dễ có cảm giác các tác giả muốn miêu tả hay rao giảng những bài học đạo đức bằng cách sử dụng các đề tài lịch sử, tôn giáo và thần thoại.
Yếu tố dẫn dắt Neoclassicism là một khát vọng đạt đến sự hoàn thiện. Các nghệ sĩ Neoclassicism yêu thích các đường nét sắc sảo, những hình khối rõ ràng, màu sắc tông lạnh điềm đạm, và đặc biệt là bề mặt tranh nhẵn bóng. Một tác phẩm Neoclassicism tinh túy sẽ không có đường cọ nào lộ ra. Đối với các nghệ sĩ Neoclassicism, cách tốt nhất để truyền tải tinh thần cổ điển là tạo ra các tác phẩm tương tự – hoàn mỹ, có khả năng chịu thử thách của thời gian mà không bị lạc mốt. Sự thanh thoát, giản dị nhưng hoàn hảo là cốt lõi của Neoclassicism, khác với Baroque nhiệt huyết sôi sục hay Rococo tình tứ nông cạn.
Tân cổ điển trong kiến trúc
Vào giữa thế kỷ 18, phong trào kiến trúc này nổ ra và có sự ảnh hưởng lớn của kiến trúc cổ điển, Hy Lạp cổ đại. Kiến trúc tân cổ điển bắt đầu từ những năm 1750. Tân cổ điển là phong trào kiến trúc hồi tưởng lại kiến trúc cổ điển. Trong các công trình kiến trúc, người ta tìm thấy có các thức cột cơ bản (Doric, Ionic, Corinth), đó là cách người Hy Lạp cổ đại tìm kiếm đến cái đẹp lý tưởng.
Những thức cột Hy Lạp đã mang đến cho kiến trúc một hình thức, một sức sống, chịu đựng được thử thách của thời gian, biểu trưng cho vẻ đẹp trong sáng, khỏe mạnh và tinh tế của kiến trúc cổ điển. Thức cột Hy Lạp được xem như biểu tượng của kiến trúc cổ điển.
Neoclassical – Thuật ngữ này xuất hiện đầu tiên trong các tài liệu học thuật tại Pháp vào giữa thế kỷ 18, khi các kiến trúc sư bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ điển tiêu biểu. Tân cổ điển là phong trào kiến trúc làm sống lại những hình ảnh cổ điển mang hơi thở Âu – Mỹ trong thế kỷ 18, 19 thông qua nghệ thuật tạo hình kiến trúc đặc trưng. Tân cổ điển là sự đơn giản hóa kiến trúc cổ điển, lấy những bức tường, hàng cột làm trọng tâm và làm nổi bật bản chất chi tiết của bộ phận đó.
Các hoa văn điêu khắc được tinh giảm, ánh sáng được tăng lên, chiều và góc nhìn được mở rộng. Các tác phẩm điêu khắc phù điêu là các điểm nhấn được đặt trên bề mặt phẳng và có xu hướng hạn chế khung, hoa văn trong những trụ gạch dạng viên hoặc các mảng tường. Hình khối kiến trúc cân đối và được biến tấu đa dạng hơn về không gian để phù hợp với từng chức năng sử dụng.
Kiến trúc tân cổ điển sử dụng những chi tiết, bố cục của phong cách cổ điển như Rococo, Baroque nhưng có xu hướng nhấn mạnh vào các mảng tường, chân cột chứ không phải ở khối lượng tác phẩm điêu khắc.
Phong cách tân cổ điển đã được tìm thấy trong thiết kế kiến trúc của các công trình của Karl Friedrich Schinkel, đặc biệt là Bảo tàng Altes ở Berlin, Ngân hàng Sir John Soane của nước Anh ở London và Nhà Trắng và Capitol ở Washington…
Tân cổ điển trong thiết kế nột thất
Thiết kế nội thất tân cổ điển không cầu kỳ, rườm rà và xa hoa như phong cách cổ điển. Thiết kế nội thất tân cổ điển chỉ nhẹ nhàng ghi dấu ấn bằng những mặt phẳng của trần, tường và những đường cong tinh tế trên các món đồ nội thất đẹp.
Thiết kế nội thất tân cổ điển thường tập trung vào các bức tường, đặc trưng là sự ngăn chia không gian bởi các chi tiết phào, chỉ tạo nên các mảng miếng. Đặc biệt, trong phong cách tân cổ điển, thường hay chú ý đến tỷ lệ vàng khi ngăn chia các ô, các mảng. Đây vốn là chìa khóa của vẻ đẹp và nghệ thuật, mang tới cái nhìn hài hòa. Với một không gian được thiết kế theo tỷ lệ vàng, dù rằng người xem không hiểu nhiều về kiến trúc, vẫn luôn bị thu hút một cách rất tự nhiên.
Tân cổ điển còn là sự tinh tế trong mỗi chi tiết trang trí tối giản – vẻ đẹp toát ra từ chính những đường cong tuyệt mỹ trong mỗi chi tiết nội thất. Đó không phải là những đường nét hoa văn cầu kỳ trong phong cách cổ điển, mỗi một chi tiết đều toát lên sự tinh xảo mà đơn thuần chỉ là những nét lượn đầy gợi cảm trên ghế tựa, đèn chùm, tay vịn… Chúng nâng đỡ cho nhau, khi đặt cạnh nhau mới thực sự tỏa sáng, đồng điệu và hài hòa đến mê hoặc.
Không làm cho con người ta choáng ngợp từ cái nhìn đầu tiên, phong cách tân cổ điển khiến cho mỗi một vị khách bước vào không gian chậm rãi cảm nhận được sự hòa âm của tất cả các chi tiết, dù là nhỏ nhất. Sự sang trọng, thanh tao, điểm nhấn nhẹ nhàng từ các mặt phẳng, đường cong, màu sắc hay sự cân xứng đến kinh ngạc của các mảng, các khu chính là điều làm nên sức quyến rũ riêng cho phong cách này.