Quản lý dự án đầu tư – búc xúc từ thực tiễn (Bài 6)





>>Bài 5: Những nghịch lý từ… quy hoạch

Bài 6: Thách thức từ vùng nguyên liệu






Yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất là điều kiện rất quan trọng để nhà máy của dự án hoạt động và tồn tại. Vì vậy, trong dự án đầu tư trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thuyết minh chi tiết về yếu tố đầu vào luôn luôn là đòi hỏi nghiêm túc để đánh giá tính khả thi của dự án. Đòi hỏi đó là hoàn toàn hợp lý. Nếu nguyên liệu đầu vào là nguồn nhập khẩu, chủ đầu tư phải chỉ rõ mua ở đâu, với giá nào và kèm theo những văn bản có giá trị pháp lý như hợp đồng nguyên tắc, thỏa thuận mua, bán… Những đòi hỏi đó là rất khó khăn nhưng còn có thể giải quyết được vì quan hệ ngoại thương của nước ta đã phát triển khá mạnh.



Thách thức lớn nhất của những dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất là nguồn nguyên liệu lại ở trong nước. Điều đó có vẻ là một nghịch lý nhưng lại đang là một thực tế.



Trước hết, nếu nguyên liệu đầu vào là khai thác từ rừng tự nhiên như gỗ, tre, nứa, lá… chủ đầu tư phải xin được giấy phép khai thác rừng. Nếu là đá, cát, sỏi được khai thác từ núi đá đang rất nhiều ở khắp các tỉnh miền núi nước ta, chủ đầu tư phải có được giấy phép khai thác tài nguyên. Nếu là quặng, chủ đầu tư phải có quyền khai thác mỏ ở một địa điểm cụ thể. Tài nguyên thiên nhiên là sở hữu toàn dân. Nhưng không phải toàn dân cấp phép mà trong cơ chế quản lý nhà nước, tất yếu phải có những người đại diện cho nhân dân được quyền cấp phép. Thế cho nên, có được những giấy phép nói trên để đính kèm, chứng minh cho tính khả thi của dự án đầu tư đâu có dễ. Không “uyển chuyển, mềm dẻo, chịu chơi” thì xin hãy “cứ đợi đấy”!



Với những dự án đầu tư mà nguyên liệu đầu vào là sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, gắn liền với sản xuất nông nghiệp, với nông dân thì khó khăn còn lớn hơn nhiều. Chủ đầu tư phải có tư liệu để chứng minh rằng, nhà máy đặt ở vùng đó có vùng nguyên liệu đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động hết công suất. Và, không chỉ có vậy, trong hồ sơ dự án, phải có nhiều, rất nhiều những hợp đồng nguyên tắc hoặc biên bản thỏa thuận về việc thu mua nguyên liệu ký với từng hộ nông dân có xác nhận của chính quyền địa phương. Yêu cầu đó tưởng chừng đơn giản nhưng vượt qua được cũng “toát mồ hôi” đối với chủ đầu tư. Ví dụ, một chủ đầu tư triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu. Nguyên liệu đầu vào là dưa chuột non (còn gọi là dưa bao tử). Theo công suất của nhà máy, mỗi năm cần thu mua khoảng 500 nghìn tấn sản phẩm này. Nhà máy đặt tại vùng có truyền thống trồng dưa và theo điều tra, thống kê của địa phương, khả năng sản xuất hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu nêu trên. Nhưng, oái oăm thay, nông dân đã nhận khoán ruộng và là chủ nhân của các sản phẩm được sản xuất. Quy mô sản xuất của từng hộ là rất nhỏ, nên chủ đầu tư phải ký hợp đồng thu mua với từng hộ gia đình, sản lượng thu mua cao nhất là 100 tấn/năm. Thế là, đính kèm dự án là hàng trăm hợp đồng thu mua nguyên liệu với hàng trăm chữ ký, đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương. Cầm trong tay gần 200 hợp đồng thu mua nguyên liệu, chủ dự án “cười ra nước mắt” và nói: Không dễ mà xin được gần 200 con dấu vào những hợp đồng này đâu! Quan trọng hơn là, khi nhà máy được vận hành, sẽ có rất ít hợp đồng thu mua đã ký có hiệu lực trong thực tế?



Với một số nguyên liệu không có sẵn trong thực tiễn, chủ đầu tư phải tạo vùng nguyên liệu thì “sự đau khổ” còn lớn hơn nhiều. Kèm theo dự án phải có phương án tạo vùng nguyên liệu. Một trong những biện pháp để “tạo vùng” là ứng trước một phần vốn cho nông dân, hướng dẫn kỹ thuật và… thu mua sản phẩm. Nhưng, khi thu hoạch, nếu giá trị trường tăng lên cao hơn giá đã thỏa thuận, những hợp đồng đã ký dễ dàng bị những người nông dân xé bỏ. Nhà đầu tư chỉ còn biết kêu trời vì không thể kiện ra tòa cả một làng, một xã.



Chứng minh về nguồn nguyên liệu với những tư liệu thuyết phục là đòi hỏi cần thiết để đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư. Nhưng, đòi hỏi đến quá chi tiết, bắt các chủ đầu tư phải tạo ra những thủ tục chỉ để đối phó và phải tốn công sức, tiền bạc như hiện nay là vô lý. Sẽ không có một biện pháp nào khắc phục được khó khăn, thách thức của việc mua nguyên liệu là nông sản hiện nay. Bởi lẽ, cả nước có đến chục triệu mảnh ruộng thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình. Thế cho nên, cần nhanh chóng thực hiện một cuộc cải cách trong nông nghiệp và nông thôn, tạo ra những tổ hợp nông – công nghiệp thay thế những mảnh ruộng manh mún hiện nay. Khi chưa đạt được điều đó, nghiên cứu, xóa bỏ những thủ tục vô lý cho các nhà đầu tư  phải là một trong những yêu cầu trọng tâm của cuộc cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *