Quy chế quản lý người đại diện phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác của các TCty, Cty thuộc Bộ Xây dựng










Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 342/QĐ-BXD ngày 31/3/2009 về Ban hành tạm thời Quy chế Quản lý người đại diện phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác của các TCty, Cty độc lập trực thuộc Bộ Xây dựng.



Đối tượng áp dụng bao gồm: TCty, Cty độc lập trực thuộc Bộ Xây dựng (sau đây gọi chung là TCty) có vốn góp tại các DN khác. Người được TCty cử đại diện phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác.




Tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn người đại diện



Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam. Có trình độ từ đại học trở lên về lĩnh vực tài chính DN, hoặc lĩnh vực kinh doanh của DN khác; có năng lực, kinh nghiệm tối thiểu là 3 năm về lĩnh vực SXKD và tổ chức quản lý, điều hành DN phù hợp với vị trí công tác dự kiến bố trí tại DN khác. Đối với người được cử làm đại diện tại DN khác là Cty liên doanh, hợp tác kinh doanh với nước ngoài còn phải có trình độ ngoại ngữ đủ để làm việc trực tiếp với người nước ngoài, không cần phải thuê phiên dịch.



Những đối tượng không được tuyển chọn làm người đại diện, gồm: Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của những người là đại diện chủ sở hữu TCty, Cty độc lập; các thành viên HĐQT và Tổng giám đốc TCty; Giám đốc Cty độc lập. Có quan hệ góp vốn thành lập DN, cho vay vốn, ký kết hợp đồng mua, bán với DN có vốn của TCty mà người đó được giao đại diện phần vốn góp, trừ trường hợp có cổ phần tại DN CPH. Thuộc đối tượng bị cấm quản lý DN theo quy định của pháp luật.



Không được cử, giới thiệu vào các chức danh thành viên HĐQT, Tổng giám đốc (Giám đốc) DN khác các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng TCty; Giám đốc Cty độc lập. Trường hợp cần thiết phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng.




Số lượng người đại diện theo uỷ quyền








Theo Bộ Xây dựng, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, các Cty con của TCty có thể nghiên cứu, vận dụng quy định tại Quy chế này để lựa chọn, quản lý  người đại diện phần vốn của mình tại các DN khác cho phù hợp.


Tuỳ thuộc vào quy mô vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp của TCty, quy định của Luật DN năm 2005 và Điều lệ mẫu đối với Cty CP, TCty cử người đại diện theo uỷ quyền tham gia HĐQT hoặc tham gia Hội đồng thành viên với số lượng như sau:



Đối với Cty CP mà TCty sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có thể uỷ quyền số người đại diện tham gia HĐQT từ 1 đến tối đa không quá 2/3 tổng số thành viên HĐQT. 



Đối với Cty TNHH có từ hai thành viên trở lên, trong đó TCty sở hữu từ 35% vốn điều lệ trở lên có thể cử từ 1 đến tối đa không quá 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng thành viên;



Đối với Cty TNHH một thành viên là tổ chức, hoạt động theo mô hình Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Kiểm soát viên, số người đại diện theo ủy quyền trong Hội đồng thành viên do Chủ sở hữu Cty quyết định.



Đối với DN khác là Cty CP, Cty TNHH có từ 2 người đại diện theo ủy quyền trở lên làm việc trực tiếp tại DN, TCty cần ưu tiên chọn 1 trong số người này là Chủ tịch Công đoàn hoặc đại diện BCH Công đoàn cơ sở có đủ tiêu chuẩn và điều kiện là người đại diện tham gia HĐQT, Hội đồng thành viên.



Trường hợp số lượng người đại diện được cử tại DN khác có từ 2 người trở lên thì TCty phải cử một người trong số này làm tổ trưởng (người có chức danh quan trọng, được ủy quyền đại diện phần vốn lớn nhất), chịu trách nhiệm chính trước TCty về hiệu quả đầu tư vốn tại DN khác; đồng thời, hoạt động của những người đại diện phải thực hiện theo nguyên tắc phân công, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.



Thời hạn được uỷ quyền của người đại diện tại DN khác được quy định theo nhiệm kỳ tối đa là 5 năm. Trường hợp người đại diện là Chủ tịch Công đoàn cơ sở hoặc là đại diện BCH công đoàn cơ sở, thời hạn được ủy quyền tối đa bằng thời gian nhiệm kỳ đại hội công đoàn cơ sở.



Căn cứ vào báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đại diện hàng năm, HĐQT TCty sẽ xem xét để tiến hành tái cử (gia hạn nhiệm kỳ), hoặc thay thế, hoặc chấm dứt việc cử người đại diện. 




Quyền hạn của người đại diện



Được thoả thuận với HĐQT TCty để ký kết hợp đồng uỷ quyền đại diện phần vốn của TCty tại DN khác. Được HĐQT TCty giới thiệu tham gia ứng cử vào các chức danh quản lý, điều hành tại một hoặc một số DN khác (tối đa là 3 DN) theo quy định tại Quy chế này và Điều lệ DN khác. Được quyền thay mặt HĐQT TCty tham dự và biểu quyết các vấn đề có liên quan đến quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh trong các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên và HĐQT trên cơ sở các Nghị quyết và chỉ đạo bằng văn bản của HĐQT TCty. Trường hợp người đại diện có ý kiến khác với ý kiến chỉ đạo của TCty thì người đại diện vẫn phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của TCty, nhưng vẫn được bảo lưu ý kiến của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *