Năm 2005, với việc ra đời Nhà máy xi-măng Sông Gianh công suất 1,4 triệu tấn/năm, tỉnh Quảng Bình bắt đầu ghi tên mình vào danh sách những tỉnh có tiềm năng lớn về công nghiệp xi-măng và được các nhà đầu tư quan tâm hơn. Với nguồn nguyên liệu đá vôi dồi dào, Quảng Bình đang hướng đến mục tiêu sau năm 2015 trở thành một trong những tỉnh sản xuất xi-măng lớn của cả nước.
Theo quy hoạch sản xuất vật liệu tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn hiện có 11 mỏ đá vôi với trữ lượng 1.741 triệu tấn, nếu công suất sản xuất xi-măng của tỉnh đạt 10 triệu tấn/năm thì số đá vôi này đủ để sử dụng trong 129 năm. Chất lượng đá vôi đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật làm xi-măng với hàm lượng CaO chiếm 50-52% và ít tạp chất. Mỏ đá vôi đều lộ thiên và nằm gần các tuyến giao thông như đường Hồ Chí Minh, đường sắt bắc- nam, quốc lộ 12A, tạo thuận lợi cho khai thác cơ giới công suất lớn. Quảng Bình còn có 12 mỏ sét với trữ lượng khoảng 369 triệu tấn có thể bảo đảm cho phát triển sản xuất xi-măng lâu dài trên địa bàn. Ngoài ra, có bảy mỏ phụ gia như đá silic, laterit… đã và đang được các nhà máy khai thác để làm chất phụ gia cho sản xuất xi-măng. Với lợi thế này, những năm gần đây Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào công nghiệp sản xuất xi-măng. trước năm 2000, cả tỉnh có ba nhà máy xi-măng nhưng hai nhà máy lò đứng công suất nhỏ và thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. Ðó là Nhà máy xi-măng Áng Sơn (Công ty cổ phần COSEVCO 6) công suất 820 nghìn tấn/năm và Nhà máy xi-măng Thanh trường (Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng COSEVCO 1) công suất 880 nghìn tấn/năm.
Năm 2005, với việc ra đời Nhà máy xi-măng Sông Gianh (Tổng Công ty xây dựng Miền trung) 1,4 triệu tấn/năm, tỉnh Quảng Bình chính thức ghi tên mình vào danh sách những tỉnh có tiềm năng lớn về công nghiệp xi-măng và được các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu. Từ năm 2009 đến nay, Nhà máy xi-măng Sông Gianh hoạt động đạt 100% công suất và sản phẩm xi-măng nhãn hiệu “Con ngựa bay” đã có chỗ đứng trên thị trường từ Quảng Bình đến Tp Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên. Vùng đồi Tiến Hóa từ khi nhà máy xi-măng đi vào hoạt động đã hình thành một thị trấn công nghiệp sầm uất. Hàng nghìn lao động địa phương được giải quyết việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp. trong tương lai, Tiến Hóa – Văn Hóa trở thành khu công nghiệp xi-măng của tỉnh Quảng Bình.
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình Nguyễn Văn Quyết cho biết, từ năm 2008 đến nay, có nhiều dự án sản xuất xi-măng lớn đã và đang trong quá trình triển khai trên địa bàn. Ðó là xây dựng Nhà máy xi-măng Sông Gianh giai đoạn II nâng công suất lên 2,4 triệu tấn/năm; nhà máy xi-măng của Công ty TNHH vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam công suất 4 triệu tấn/năm (giai đoạn I là 2 triệu tấn/năm); nhà máy xi-măng của Công ty cổ phần Tập đoàn trường Thịnh 4 triệu tấn/năm (giai đoạn I là 2 triệu tấn/năm); Công ty cổ phần COSEVCO 6 xây dựng hai nhà máy xi-măng tại Áng Sơn với công suất 1 triệu tấn/năm. Theo Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình Mai Văn Nhị, với sự cố gắng của các nhà đầu tư, chính quyền các cấp và ủng hộ của người dân thì mục tiêu 8- 10 triệu tấn xi-măng/năm vào năm 2015 là có thể thực hiện được.
Ðại diện Công ty TNHH VLXD Việt Nam cho biết, dự án nhà máy xi-măng giai đoạn I công suất 2 triệu tấn đã được khởi công xây dựng vào tháng 2-2009 với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dây chuyền sản xuất clanh-ke đồng bộ từ công đoạn tiếp nhận và dập nguyên liệu đến khâu nghiền, nung clanh-ke, sản xuất xi-măng được đầu tư với các thiết bị hiện đại. Hiện nay mặt bằng xây dựng công trình đã cơ bản hoàn thành, doanh nghiệp chuẩn bị ký hợp đồng xây dựng nhà máy theo hình thức tổng thầu.
Với quyết tâm sớm ra lò sản phẩm, nhiều chủ dự án đầu tư sản xuất xi-măng ở Quảng Bình đã tập trung nguồn lực, phương tiện để thi công kịp tiến độ. trong đó phải kể đến Nhà máy xi-măng Áng Sơn 1 của Công ty cổ phần COSEVCO 6. Công trình có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, công suất 500 nghìn tấn xi-măng/năm được khởi công xây dựng từ đầu năm 2008. Với quyết tâm rất cao, chủ đầu tư dự kiến cho ra mẻ xi-măng đầu tiên vào cuối năm 2009 nhưng vì những trở ngại khách quan nên dự kiến tháng 7-2010 sẽ có sản phẩm đầu tiên. Những ngày giữa tháng 5 nắng nóng và gió phơn tây nam thổi mạnh, tại công trường thi công Nhà máy xi-măng Áng Sơn 1 chúng tôi thấy không khí lao động thật khẩn trương. Giám đốc Công ty cổ phần COSEVCO 6, kỹ sư Ðặng Gia Hạnh cho biết, hiện ba đơn vị thuộc Công ty cùng hai đơn vị lắp máy đang khẩn trương hoàn tất những phần việc cuối cùng của nhà máy. Theo kế hoạch cuối tháng này sẽ chạy thử bộ phận, tháng 7 chạy thử đồng bộ và đi vào sản xuất mẻ xi-măng đầu tiên. Bên cạnh đó là Nhà máy xi-măng Áng Sơn 2 công suất 500 nghìn tấn/năm (liên doanh giữa Công ty cổ phần COSEVCO 6 với Xí nghiệp đúc Thắng Lợi- Nam Ðịnh) đã thi công xong phần móng, chuẩn bị xây dựng tháp trao đổi nhiệt.
trong quá trình thực hiện các dự án sản xuất xi-măng ở Quảng Bình đã gặp những khó khăn, vướng mắc. Ðó là một số dự án sản xuất xi-măng được triển khai có phần hơi vội và áp đặt, nên chưa tạo được sự đồng thuận của người dân. Do vậy có nơi một bộ phận nhân dân không ủng hộ dự án sản xuất xi-măng tại địa bàn mà doanh nghiệp đầu tư vì sợ ô nhiễm môi trường. Chính hành động cản trở này đã khiến cho dự án xi-măng của Công ty TNHH VLXD Việt Nam phải chuyển từ xã Quảng phúc (Quảng trạch) lên xã Văn Hóa (Tuyên Hóa). Mặt khác, sản xuất xi-măng liên quan trực tiếp đến môi trường. Hiện nay, công nghệ sản xuất xi-măng ngày càng tiên tiến nên đã hạn chế được rất nhiều tình trạng ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, điều quan trọng đó là cam kết và thực hiện cam kết của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường khi đưa nhà máy xi-măng vào hoạt động cũng như công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với các cam kết của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Hồ Thanh Ngọc cho biết, địa phương đang có nhiều dự án xi-măng lớn nhất tỉnh Quảng Bình, địa phương luôn có trách nhiệm với chủ đầu tư để triển khai các dự án xi-măng trên địa bàn nhưng doanh nghiệp cũng phải cam kết và thực hiện đúng cam kết với chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường và tạo việc làm cho người lao động và những hoạt động xã hội khác.
Ðể phát triển công nghiệp sản xuất xi-măng, những năm qua tỉnh Quảng Bình đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng nhà máy xi-măng, nâng cấp quốc lộ 12A. trong đó đáng chú ý là việc đầu tư xây dựng cảng Hòn La để thúc đẩy phát triển sản xuất xi-măng ở Quảng Bình. trước đây, Nhà máy xi-măng Sông Gianh thường phải vận chuyển sản phẩm ra cảng Vũng Áng để đưa xuống tàu với khoản chi phí đường bộ (từ nhà máy đến cảng) hằng năm khoảng 40 tỷ đồng. Từ khi có cảng Hòn La, việc tiêu thụ xi-măng cũng như mua các nguyên liệu của Nhà máy xi-măng Sông Gianh nhanh chóng và tiết kiệm hơn. Sắp tới, Công ty TNHH VLXD Việt Nam và Tập đoàn trường Thịnh sẽ xây dựng các trạm nghiền clanh-ke tại khu vực cảng Hòn La để vận chuyển xi-măng bằng đường thủy vào các tỉnh phía nam. Sở GT- VT Quảng Bình cho biết, đang chỉ đạo các đơn vị khảo sát, lập dự án xây dựng tuyến đường nối cụm công nghiệp xi-măng Tiến Hóa với cảng Hòn La nhằm giảm chi phí vận chuyển xi-măng cho các doanh nghiệp, đồng thời giảm số phương tiện giao thông trên quốc lộ 12A.
Tỉnh Quảng Bình đang thực hiện mạnh mẽ việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư. Nhiều dự án lớn đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư hoặc đã triển khai, nhất là công nghiệp sản xuất xi – măng chính là kết quả của sự nỗ lực đáng ghi nhận ấy. |
Quảng Bình phát triển công nghiệp sản xuất xi – măng
0