Là đô thị loại I, thế nhưng cả TP Vinh (Nghệ An) số nhà vệ sinh công cộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy, mỗi lúc có “nỗi buồn” người dân đành nhắm mắt làm liều ra vỉa hè, bờ tường, gốc cây…
Thiếu nơi… giải quyết “nỗi buồn” Nhà vệ sinh công cộng là một trong những công trình không thể thiếu đối với các đô thị, thế nhưng không hiểu vì sao đối với một đô thị loại I như TP Vinh, việc xây dựng các nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu của người dân lại không được quan tâm. Ở các khu vực đông người của TP như: Công viên, quảng trường, nhà ga, bến xe, vườn hoa, các trục đường chính… đều rất ít thấy bóng dáng của công trình phục vụ nhu cầu hết sức tối thiểu này. Chị Trần Khánh Huyền, khách du lịch từ Hải Phòng đến nghỉ mát ở Vinh tâm sự: “Đi du lịch nhiều nơi nhưng đến Vinh tôi khá bất ngờ bởi ở các điểm vui chơi công cộng, nơi tập trung đông người, các tuyến đường lớn đều không thấy có nhà vệ sinh công cộng đâu cả. Khi có nhu cầu đành phải chạy vào quán café nào đó, gọi ly nước uống để giải quyết, vừa mất thời gian vừa bất tiện”.
Không có nhà vệ sinh công cộng nên vỉa hè, gốc cây, bờ tường trở thành “điểm đến” quen thuộc của người dân Vinh khi có “nỗi buồn”. Việc này đã tạo nên hình ảnh không đẹp đối với khách du lịch mỗi khi có dịp đến TP Vinh. Ở những điểm tập trung đông người như: Bến xe Vinh, Chợ Vinh, Ga Vinh, Công viên… có nhà vệ sinh nhưng công trình này đều do các đơn vị tự xây dựng và quản lý, việc thu phí thì rất tùy tiện mỗi nơi một kiểu. Việc khai thác sử dụng không hợp lý, nhiều nhà vệ sinh không được chùi rửa thường xuyên nên rất ít người sử dụng. Bất cập nhất là một số điểm nhà vệ sinh được xây dựng khá hoành tráng như ở khu C7, P.Quang Trung được xây dựng quy mô hàng trăm mét vuông (nhà vệ sinh, phong tắm giặt là, khu vực bán đồ phục vụ), kinh phí xây dựng lên đến hàng trăm triệu đồng, thế nhưng, do địa điểm xây bất hợp lý bị người dân phản đối, hoặc thiếu người quản lý nên các công trình này đều rơi vào hoang phế. Còn ở tất cả các tuyến đường lớn trên địa bàn TP không nơi nào có nhà vệ sinh công cộng, điều này đã gây nhiều bất tiện đối với sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ông Trần Văn Mậu, nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh bức xúc: “Nhiều hôm đi trên đường bị đau bụng nhưng không biết đi vào đâu, đành phải tìm gốc cây nào đó nhắm mắt làm liều. Tất cả các tuyến đường ở TP không nơi nào có nhà vệ sinh công cộng cả. Không hiểu sao TP lại không quan tâm đến nhu cầu thiết yếu này của người dân”.
Trách nhiệm ở ai? Thực trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng là điều không thể chấp nhận được đối với một đô thị loại III, đừng nói gì đến đô thị loại I, trung tâm của khu vực Bắc miền Trung như TP Vinh. Thế nhưng, không hiểu vì sao cho đến nay việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu của người dân vẫn chưa được các cấp các ngành quan tâm đúng mức. Trong quy hoạch phát triển TP Vinh đã được phê duyệt lại không có quy hoạch xây dựng hệ thống các nhà vệ sinh công cộng trong khi các vấn đề khác như hệ thống xử lý rác, nước thải…đều được quy hoạch rất cụ thể. Ông Hà Đức Thái, Phó giám đốc Cty Môi trường đô thị Vinh cho biết: “Hiện trên địa bàn TP chỉ có một nhà vệ sinh công cộng ở khu vực nhà C7, P.Quang Trung. Thế nhưng việc khai thác sử dụng không có hiệu quả. Hiện Cty đang cho người dân thuê lại để kinh doanh. Bên cạnh đó, việc xin đất xây dựng nhà vệ sinh công cộng không được chính quyền “mặn mà”, bởi vậy nhiều lần Cty gặp lãnh đạo của các phường, xã làm việc về vấn đề này nhưng đều không có kết quả”. Ông Lê Quốc Hồng, Phó chủ tịch UBND TP Vinh thừa nhận: “Là đô thị loại I nhưng hiện nay nhà vệ sinh công cộng đúng nghĩa thì TP Vinh hoàn toàn chưa có, đây là một vấn đề khá bức xúc của thành phố hiện nay. Về lâu dài, TP sẽ có kế hoạch xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân”. Văn minh đô thị không thể có nếu như người dân khi có nhu cầu vệ sinh lại cứ tìm đại chỗ nào đó như: Vỉa hè, gốc cây, bờ tường… để giải quyết “nỗi buồn”. Bởi vậy, TP Vinh cần sớm có kế hoạch xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ nhu cầu của người dân. |
TP Vinh: “Đỏ mắt” tìm nhà vệ sinh công cộng
32