Những bí mật “động trời” của cò nhà đất

Thuật làm tiền và vượt suy thoái của cò nhà đất

Ai cũng biết rằng “cò” nhà đất sống bằng tiền phần trăm và tiền chênh lệch trong việc làm trung gian mua bán nhà đất. trên thực tế thì tiền phần trăm và tiền chênh lệch là nguồn thu chính của “cò” nhà đất. Vì vậy, thị trường nhà đất càng sốt, người đi mua nhà đất càng nhiều thì “cò” nhà đất càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền.

Bởi ngoài tiền phần trăm thu được từ cả bên bán lẫn bên mua, khi thị trường đang trong cơn sốt, “cò” dễ dàng khống chế, nâng mức giá bán để ăn tiền chênh lệch.

Tuy nhiên, thị trường nhà đất không phải lúc nào cũng trong cơn sốt để “cò” nhà đất có thể “ngồi mát ăn bát vàng”. Bởi sốt nhà đất có khi chỉ diễn ra trong một thời điểm rất ngắn trong năm. Qua cơn sốt, giao dịch ít đi cũng là lúc sự cạnh tranh trong thế giới nhà “cò” BĐS diễn ra khốc liệt nhất.

Anh Ngô K.H., nhân viên kinh doanh một Công ty BĐS có trụ sở tại khu đô thị trung Hoà Nhân Chính cho biết: gọi là nhân viên kinh doanh cho oai, chứ anh cũng chỉ là “cò” chuyên đi buôn… nước bọt.

Nghĩa là hàng ngày anh vẫn phải lên mạng internet tìm kiếm những lô đất mà khách hàng muốn bán. Thậm chí phải đi lang thang khắp nơi tìm những tờ rơi người dân có nhà đất rao bán dán trên tường rào để liên hệ làm trung gian và tìm… đầu ra.

Việc tìm được một sản phẩm tốt có thể thu hút khách hàng hiện nay, theo anh H. là rất khó. Bởi cũng có hàng trăm nhân viên (“cò”) của các công ty kinh doanh BĐS khác hàng ngày cũng đi săn tìm những nguồn hàng như thế.

Thế mới có chuyện, không ít “cò” khi phát hiện thấy trên thị trường có sản phẩm ngon ăn đã đóng giả làm chính khách hàng đến khai thác thông tin rồi cuỗm ngay sản phẩm của đối thủ bằng cách tìm đến chính chủ thoả thuận mức giá cao hơn để được quyền bán hàng.

Vì vậy, ngay sau khi có sản phẩm tốt thì việc giao bán và che giấu những sản phẩm “độc quyền”, để những “cò” khác không thể lần tìm ra địa chỉ và cuỗm mất cũng là cả một nghệ thuật đầy lắt léo của mỗi “cò”.

Anh H. cho biết thêm: đối với “cò” BĐS, việc tìm được một sản phẩm tốt cũng giống như có trong tay một con mồi tốt để “cò” có thể lựa chọn những con “cá” – khách hàng ưng ý.

Thế nhưng thực tế, đặc biệt là khi thị trường nhà đất hết sốt, giao dịch rất ít, “cò” không thể kiếm sống bằng việc ăn phần trăm và chênh lệch qua việc làm trung gian. Vì thế, không ít “cò” nhà đất khi ấy, nhờ sự hỗ trợ từ phía công ty BĐS, họ vẫn đưa ra những sản phẩm cực tốt, với giá cực mềm, chỉ có trong tưởng tượng để thu hút khách đến tìm hiểu, rồi đòi tiền công đưa khách đi xem hàng.

Đó là một kiểu kinh doanh lừa lọc, nhưng kiểu kinh doanh này vẫn giúp nhiều công ty BĐS trụ vững sau những đợt đóng băng dài dài của thị trường BĐS.

Đánh nhau vì “ăn cây táo nhưng rào cây sung”!

Là nhân viên kinh doanh của một sàn giao dịch BĐS có tiếng tại khu đô thị trung Hoà – Nhân Chính nhưng anh Cao T.L. tiết lộ: anh không hề có lương, mà chỉ có thu nhập theo phần trăm hợp đồng mua bán.

Theo anh L., hiện rất nhiều công ty BĐS và sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội áp dụng chính sách không trả lương cho nhân viên kinh doanh. Chính vì không trả lương, không có nhiều ràng buộc nên mới có chuyện nhiều nhân viên kinh doanh BĐS “nhảy việc” như… đi chợ.

Anh L. cho biết: Hiện việc ăn chia theo tỷ lệ phần trăm giữa các công ty BĐS không khác nhau là mấy. Nhưng mỗi công ty BĐS lại có một thế mạnh riêng. Chẳng hạn có công ty BĐS có được những nguồn hàng rất tốt, nhưng khách hàng không phù hợp, thậm chí chẳng có khách hàng mà bán. Ngược lại, có công ty có rất nhiều khách hàng nhưng lại không có sản phẩm phù hợp cho khách hang lựa chọn.

Chính vì sự lệch chuẩn này nên mới có chuyện các nhân viên kinh doanh (thực chất là “cò”) thường có xu hướng bí mật đẩy sản phẩm mình đang có nhưng không bán được tại công ty mình sang một công ty khác để bán ăn phần trăm, thậm chí cả rất nhiều tiền chênh lệch.

Và làm việc này ai cũng biết, một khi bị lãnh đạo phát hiện thì chỉ có cách nhân viên lại… nhảy việc tiếp, chuyển qua một công ty BĐS khác.

Thế nhưng không phải trường hợp “cò” nhà đất “ăn cây táo nhưng lại rào cây sung” nào bị phát hiện cũng có kết cục êm thấm, nhẹ nhàng. Bởi theo anh L., mới đây, một nhân viên kinh doanh BĐS, vì quá lâu chưa bán được sản phẩm nào, cũng chẳng có đồng lương nên khi hết tiền đã làm liều, đẩy bán ngay hàng “độc quyền” của công ty, vốn là một căn biệt thự đắt giá, có vị trí đắc địa cho một khách hàng bên ngoài để ăn hoa hồng và tiền chênh lệch lên đến hơn một tỷ đồng.

Thế nhưng, ngay sau khi giao dịch thành công thì việc làm này đã bị giám đốc công ty phát hiện.

Bị phát hiện, nhân viên kinh doanh đã phải trả phần chênh lệch tự ý bán căn biệt thự cho công ty. Ngoài ra, nhân viên này còn bị “dằn mặt” phải nhập viện vì những thương tích…

Nhà báo cũng thường xuyên bị “cò” cho ăn… trái đắng

Có một thực tế rất buồn đó là việc đẩy giá nhà đất lên cao chót vót trong thời gian qua, không chỉ một mình “cò” nhà đất có thể làm được. Bởi tham gia “thổi” giá nhà đất còn có cả sự góp sức của giới báo chí truyền thông.

Song, việc vô thức góp gió thổi bão giá nhà đất của nhà báo thì không phải nhà báo nào cũng hay biết.

Hiện có rất nhiều công ty quản lý và kinh doanh BĐS lúc nào cũng rất hào hứng trả lời báo chí về thị trường BĐS. Thế nhưng, không phải câu trả lời nào của những công ty quản lý, kinh doanh BĐS này cũng vô tư, minh bạch và công bằng so với những diễn biến thực tế của thị trường.

Thế mới có chuyện có nhiều phóng viên vẫn chỉ nghe chuyên gia này nói vài câu, chuyên gia kia nói vài ý là đã có ngay bài phản ánh thị trường BĐS một khu vực nào đó đang sốt nóng. Và sau bài báo, thị trường BĐS một khu vực nào đó vốn đang rất bình thường trước đó, đã “sốt đùng đùng” đúng như bài báo đã nêu, y như lời chuyên gia đã phân tích thật.

Cách đây mấy tháng, trên đường về quê, đi qua xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), phóng viên có rẽ vào thăm một người bạn mới mở văn phòng nhà đất nằm ngay tỉnh lộ 72. Vừa gặp người quen, ông chủ văn phòng môi giới BĐS đã khoe ngay việc tỉnh lộ này “sắp”… mở rộng.

Ban quản lý dự án (BQLDA) cũng đã họp với bô lão các làng có đình chùa là di tích lịch sử nằm ven tỉnh lộ và các cụ cũng đã đồng ý di dời di tích lùi vào bên trong!?. Nhờ thông tin tỉnh lộ sắp mở rộng nên đất cát mặt đường cứ tăng giá ầm ầm!

Nghe lời “cò” BĐS nói, phóng viên cứ ôm bụng cười, nghĩ đó chỉ là chuyện mua vui. Bởi quê tôi cũng ở ngay làng bên, cũng có di tích sát mặt đường mà chẳng thấy ai nói chuyện mở đường hay chuyện có BQLDA nào đến hỏi các cụ chuyện di dời di tích để làm đường cả.

Thế nhưng, chỉ khoảng nửa tháng sau, tôi đã ngã ngửa khi một tờ báo giấy nổi tiếng cả nước có bài viết rất lớn về thị trường BĐS phía Tây đang “sốt xình xịch” và trích nguyên văn câu nói của anh bạn hay ba hoa đang làm “cò” nhà đất.

Hoá ra, không chỉ người có nhu cầu đi mua nhà đất mới được “cò” BĐS cho ăn “bánh vẽ”, mà ngay cả nhà báo cũng trở thành công cụ của “cò” và thường xuyên bị “cò” BĐS cho nếm trái đắng!

(Theo Vietnamnet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *