Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với môi trường sống và hệ thống đô thị trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Sự gia tăng nhiệt độ, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ tác động đến hạ tầng kỹ thuật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng có thu nhập thấp. Trong bối cảnh đó, quan điểm thiết kế nhà ở xã hội không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu về số lượng mà còn cần đảm bảo các tiêu chí bền vững, thích ứng với điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Để hướng tới một mô hình NOXH tối ưu, thiết kế đóng vai trò then chốt trong việc cân bằng giữa yếu tố công năng, kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động môi trường. Bài viết đề xuất 6 quan điểm thiết kế cốt lõi, bao gồm lựa chọn địa điểm phù hợp, đảm bảo đầy đủ chức năng sinh hoạt, nâng cao tính linh hoạt trong không gian, tối ưu chi phí xây dựng, đồng bộ hóa trong phát triển và hướng tới sự bền vững dài hạn. Những nguyên tắc này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng ở cho người dân mà còn giúp xây dựng một mô hình NOXH có khả năng thích ứng với tương lai.
Thách thức và yêu cầu chất lượng trong quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tại Việt Nam
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Kế hoạch này vừa phải đối mặt với thách thức về cơ chế, chính sách, đồng thời còn phải thích ứng với các yếu tố của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội cân bằng giữa thị trường và chính sách hỗ trợ
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển NOXH nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở đa dạng theo cơ chế thị trường. Đồng thời, chính sách hỗ trợ đặc thù giúp người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách có cơ hội sở hữu nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thành khoảng 1.062.200 căn, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 428.000 căn, giai đoạn 2025 – 2030 khoảng 634.200 căn. Để đạt được, cần huy động nguồn vốn lớn từ cả ngân sách và khu vực tư nhân.
Tài chính: yếu tố quyết định thành công
Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 – 2% so với mặt bằng lãi suất thương mại. Chính sách này nhằm hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà, đồng thời thúc đẩy tiến độ các dự án NOXH.
Theo báo cáo địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, đã có 41 dự án NOXH khu vực đô thị hoàn thành với 19.516 căn hộ. Hiện 294 dự án khác đang triển khai, dự kiến cung cấp thêm 288.000 căn. Tuy nhiên, phần lớn vẫn đang trong giai đoạn chấp thuận đầu tư, cho thấy việc giải ngân và thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Chất lượng không gian sống: bài toán cần lời giải
Dù số lượng căn hộ NOXH đang dần được hiện thực hóa, nhưng chất lượng sống vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Diện tích căn hộ dao động từ 25m2 đến 70m2, nếu không có giải pháp thiết kế tối ưu, cư dân vẫn phải xoay sở trong không gian chật hẹp, thiếu thông gió và ánh sáng tự nhiên.
Thiết kế NOXH không thể chỉ tập trung vào quy mô dự án mà phải chú trọng vào nội thất và tiện nghi sinh hoạt. Việc tận dụng không gian linh hoạt, tối ưu hóa đồ nội thất thông minh là yếu tố quyết định chất lượng sống. Nếu chỉ tiếp cận từ kết cấu công trình mà bỏ quên trải nghiệm cư dân, NOXH khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến mô hình NOXH
HBĐKH đặt ra thách thức lớn đối với xây dựng NOXH. Nhiệt độ trái đất tăng, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng rõ rệt đòi hỏi thiết kế công trình phải thích ứng. Vật liệu thân thiện môi trường, hệ thống thông gió tự nhiên, khả năng chống chịu thiên tai cần được tích hợp ngay từ khâu quy hoạch.
Yêu cầu trong quan điểm thiết kế nhà ở xã hội: Nâng cao chất lượng sống và thích ứng biến đổi khí hậu
Thiết kế nhà ở xã hội (NOXH) tại Việt Nam cần tuân thủ những nguyên tắc cốt lõi, vừa đảm bảo nhu cầu sinh sống cơ bản, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Dưới đây là những yêu cầu thiết kế quan trọng cần được xác định rõ ràng:
Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội tối ưu hóa diện tích và bố cục không gian
NOXH thường có diện tích nhỏ (25-70m2), do đó, việc tổ chức không gian hợp lý trở thành yếu tố quan trọng. Việc sừ dụng nội thất thông minh, đa chức năng sẽ giúp giải phóng diện tích và tối ưu khối tích sử dụng. Thiết kế không gian cần đảm bảo giao thông thuận tiện, tạo cảm giác rộng rãi dù diện tích nhỏ.
Giảm giá thành, đảm bảo khả năng chi trả
Chi phí xây dựng NOXH cần được kiểm soát để phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Việc điển hình hóa, module hóa thiết kế giúp giảm chi phí sản xuất và thi công. Ngoài ra, các yếu tố như tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm thiểu chi phí bảo trì cũng phải được tính đến ngay từ khâu thiết kế.
Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội đề cao tính linh hoạt cao trong thiết kế
Các căn hộ NOXH cần được thiết kế để dễ dàng thích nghi, ghép nối hoặc chia tách theo nhu cầu từng giai đoạn. Việc lựa chọn vật liệu và kết cấu các căn hộ các tầng cần tăng cường khả năng bốc tách hoặc tổ hợp linh hoạt, nhằm giám đốc bối cảnh gia đình thay đổi hay nhu cầu sinh hoạt biến đổi.
Đảm bảo tiêu chuẩn phát triển bền vững
Bên cạnh việc đảm bảo số lượng, NOXH cần hướng đến phát triển bền vững. Việc áp dụng các giải pháp kiến trúc xanh, vật liệu sinh thái, công nghệ tiến tiến giúp giảm tác động môi trường và nâng cao tuổi thọ công trình. Việc kết hợp giải pháp thiết kế thụ động, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên như năng lượng mặt trời, gió và đồng thời giảm thiểu tiêu hao năng lượng sẽ giúp NOXH bên vững hơn trong dài hạn.
Quan điểm thiết kế nhà ở xã hội đề cao tính thích ứng với biến đổi khí hậu
BĐKH gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, mặt nước biển dâng. Các KTS và kỹ sư cần xem xét những tác động này khi thiết kế NOXH. Các giải pháp như nâng cao nền móng, sử dụng vật liệu chịu được thời tiết khắc nghiệt, tối ưu hóa thông gó góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH, đảm bảo an toàn và độ bền vững cho NOXH.
Những nguyên tắc thiết kế nhà ở xã hội tại Việt Nam
Lựa chọn địa điểm tối ưu
Việc xác định vị trí xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) không chỉ cần đảm bảo tính thuận tiện cho người lao động, công nhân khu công nghiệp mà còn phải xem xét đến yếu tố an toàn và bền vững. Địa điểm được lựa chọn cần hạn chế tối đa rủi ro về thiên tai như ngập lụt, sạt lở đất, đồng thời đảm bảo hạ tầng giao thông và tiện ích công cộng phù hợp với nhu cầu sinh hoạt lâu dài của cư dân.
Đảm bảo chức năng sống tối thiểu
Mỗi căn hộ NOXH cần đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản như ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt, nấu nướng, giặt giũ, phơi phóng. Dù diện tích hạn chế, không gian sống phải được thiết kế hợp lý, tối ưu hóa công năng và đảm bảo thông gió, chiếu sáng tự nhiên. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp tiết kiệm năng lượng, tạo môi trường sống lành mạnh và bền vững.
Tính linh hoạt trong không gian
Linh hoạt là yếu tố cốt lõi trong thiết kế NOXH nhằm thích ứng với nhu cầu thay đổi của người sử dụng. Các giải pháp thiết kế có thể bao gồm:
- Bố trí nội thất thông minh, có thể gấp gọn hoặc di chuyển linh hoạt.
- Không gian có thể chuyển đổi chức năng tùy theo nhu cầu thực tế.
- Kết cấu tòa nhà cho phép điều chỉnh hoặc mở rộng khi cần thiết. Nhờ vậy, căn hộ NOXH không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn có khả năng thích ứng với điều kiện sống trong tương lai.
Tính kinh tế và hiệu quả dài hạn
Thiết kế NOXH phải đảm bảo chi phí hợp lý mà vẫn đạt chất lượng cao. Điều này đòi hỏi:
- Ứng dụng mô hình modul hóa, tiêu chuẩn hóa vật liệu và nội thất.
- Thiết kế căn hộ mẫu có thể nhân rộng nhằm giảm chi phí thi công.
- Sử dụng vật liệu bền vững, tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, tối ưu hóa không gian theo chiều cao và thiết kế căn hộ dạng tổ hợp giúp tiết kiệm đất đai, gia tăng mật độ sử dụng hiệu quả.
Đồng bộ hóa quy trình xây dựng
Để nâng cao chất lượng NOXH, các khâu từ thiết kế, sản xuất vật liệu, chế tạo nội thất đến thi công cần được đồng bộ hóa. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ giúp tối ưu hóa thời gian, chi phí và chất lượng xây dựng. Hơn nữa, áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng như mô-đun hóa, thi công lắp ghép sẽ góp phần tăng tốc độ triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu về nhà ở nhanh chóng hơn.
Phát triển bền vững
Bền vững không chỉ là yêu cầu về kết cấu mà còn bao gồm khía cạnh môi trường và xã hội. NOXH cần áp dụng các nguyên tắc kiến trúc xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải trong quá trình xây dựng và vận hành. Đồng thời, việc thiết kế theo hướng linh hoạt, có thể nâng cấp hoặc chuyển đổi thành nhà ở cao cấp khi đô thị phát triển, giúp nâng cao giá trị sử dụng lâu dài của công trình.
Kết luận
Phát triển nhà ở xã hội (NOXH) là mục tiêu trọng tâm trong chiến lược an sinh của Chính phủ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chuyên gia quy hoạch, kiến trúc. Tuy nhiên, từ góc độ thiết kế, việc xây dựng NOXH tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức do các yêu cầu đặc thù về diện tích, kinh tế, chính sách, đồng thời phải thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Một chiến lược thiết kế NOXH hiệu quả không chỉ đảm bảo chất lượng sống tối thiểu cho cư dân mà còn phải tính đến khả năng chống chịu trước tác động môi trường. Căn hộ NOXH cần được xem như một ngôi nhà hoàn chỉnh với công năng thiết yếu, đảm bảo sự linh hoạt trong không gian để thích ứng với nhu cầu sử dụng đa dạng. Không chỉ vậy, tính bền vững và hiệu quả kinh tế cũng là yếu tố then chốt giúp NOXH trở thành giải pháp dài hạn, phù hợp với bối cảnh đô thị hóa.
Ngoài ra, việc đồng bộ hóa trong thiết kế và xây dựng theo hướng công nghiệp hóa là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và tối ưu chi phí. Nếu triển khai hiệu quả, mục tiêu xây dựng một triệu căn hộ NOXH không chỉ dừng lại ở số lượng mà còn mang lại mô hình nhà ở bền vững, đáp ứng nhu cầu thực tế của đông đảo người dân đô thị.