Nếu bạn từng lạc bước qua những con phố cổ kính của Lisbon hay Porto, hoặc chỉ đơn thuần ngắm nhìn hình ảnh về các thành phố rực rỡ của Bồ Đào Nha, hẳn bạn sẽ không thể bỏ qua những viên gạch azulejos mang họa tiết tinh xảo. Những mảnh ghép đầy sắc màu của nghệ thuật Azulejos này không chỉ tô điểm cho các mặt tiền công trình mà còn khắc họa một phần linh hồn của đất nước.
Azulejos ban đầu được mang đến từ các nền văn hóa khác, đã tìm được “ngôi nhà” đích thực tại Bồ Đào Nha, nơi loại hình nghệ thuật này không ngừng phát triển và biến đổi qua từng thế kỷ. Từ vai trò trang trí đơn thuần, những viên gạch này đã vươn lên trở thành biểu tượng nghệ thuật đặc trưng, vừa kể chuyện lịch sử, vừa phản ánh nét tinh hoa trong kiến trúc và văn hóa. Ngày nay, azulejos vẫn giữ nguyên sức sống mãnh liệt, phủ lên khắp các thành phố một lớp áo vừa cổ điển vừa đương đại, khiến bất cứ ai cũng phải mê đắm trước vẻ đẹp độc đáo
Nguồn gốc của nghệ thuật Azulejos ở Châu Âu
Những viên gạch tráng men đầy mê hoặc Azulejos không phải là sản phẩm nguyên bản của châu Âu mà là kết quả của sự giao thoa văn hóa. Nguồn gốc của chúng bắt đầu từ các vùng Ai Cập và Lưỡng Hà khoảng thế kỷ 27 TCN, nhưng mãi đến thế kỷ 13 SCN, kỹ thuật chế tác này mới theo chân người Moor – những dân cư có nguồn gốc từ Bắc Phi – đến bán đảo Iberia. Ban đầu, người Moor mô phỏng lại nghệ thuật tranh khảm Byzantine và La Mã, tạo nên những viên gạch gọi là “azulejos,” xuất phát từ từ Ả Rập “zellige,” nghĩa là đá mài nhẵn.
Tại Seville, Tây Ban Nha, những xưởng sản xuất azulejos đầu tiên ở châu Âu ra đời, nơi nghệ nhân cắt các viên gạch lớn thành mảnh nhỏ để lắp ráp thành hoa văn hình học. Vào năm 1503, sau chuyến thăm Seville, Vua Manuel I của Bồ Đào Nha đã mang kỹ thuật này về quê hương. Cung điện Quốc gia Sintra gần Lisbon là nơi đầu tiên chứng kiến sự bùng nổ của nghệ thuật Azulejos, đánh dấu sự khởi đầu cho một tình yêu mãnh liệt của người Bồ Đào Nha đối với loại gạch này.
Lịch sử phát triển độc đáo của gạch Azulejo Bồ Đào Nha
Khởi đầu từ việc nhập khẩu gạch từ Seville (Tây Ban Nha) vào thế kỷ 16, Azulejo dần chuyển mình thành một biểu tượng văn hóa độc đáo của đất nước này. Ban đầu, những viên gạch mang phong cách maiolica được các thợ gốm Ý du nhập sang Seville. Kỹ thuật này cho phép nghệ nhân sáng tạo trên bề mặt gạch bằng men thiếc, mang lại màu sắc sống động và hình ảnh chi tiết. Từ đó, các mẫu gạch trở thành những bức tranh sống động, miêu tả cảnh thần thoại, tôn giáo hoặc các họa tiết hoa văn tinh tế.
Đến thế kỷ 17, Azulejo tiếp tục phát triển với phong cách “azulejo de tapete,” lấy cảm hứng từ màu sắc và hoa văn của thảm phương Đông. Các viên gạch được sắp xếp tạo nên những bố cục như một tấm thảm trải dài, thường được sử dụng để trang trí nhà thờ, tu viện hoặc cung điện.
Cuối thế kỷ 17, ảnh hưởng từ gạch xanh trắng của Hà Lan đã định hình phong cách chủ đạo cho Azulejo. Dưới sự khuyến khích của Vua Peter II, Bồ Đào Nha bắt đầu sản xuất gạch nội địa, phát triển kỹ thuật và sáng tạo không ngừng. Giai đoạn hoàng kim của Azulejo diễn ra vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, khi nhu cầu gia tăng mạnh mẽ tại cả Bồ Đào Nha và thuộc địa Brazil.
Từ thế kỷ 19, sự ảnh hưởng của các phong cách nghệ thuật như Tân cổ điển, Art Nouveau và Art Deco đã làm phong phú thêm ngôn ngữ nghệ thuật Azulejo. Trong thế kỷ 20, loại gạch này cùng nghệ thuật Azulejos không chỉ tô điểm các tòa nhà mà còn xuất hiện tại các ga tàu điện ngầm Lisbon, mang âm hưởng truyền thống hòa quyện cùng không gian hiện đại.
Azulejos – Hơi thở đương đại trong di sản văn hóa Bồ Đào Nha
Trong bức tranh văn hóa đương đại của Bồ Đào Nha, nghệ thuật Azulejos không chỉ đơn thuần là một di sản cổ xưa mà còn là nhịp đập sống động phản ánh tinh thần của đất nước. Ngày nay, nhiều xưởng gốm từ thế kỷ 17 và 18 vẫn duy trì sản xuất, không chỉ tái hiện các mẫu hoa văn truyền thống mà còn sáng tạo nên những thiết kế mới mẻ, đậm chất hiện đại. Đặc biệt, các nghệ sĩ đương đại tiếp tục khai phá tiềm năng vô tận của azulejos, biến chúng thành phương tiện biểu đạt độc đáo trong nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau.
Năm 1965, việc thành lập Bảo tàng Quốc gia Azulejo (Museo Nacional do Azulejo) đánh dấu nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này. Để bảo vệ di sản trước nguy cơ đánh cắp, phá hoại hay lãng quên, chính phủ Bồ Đào Nha đã ban hành các đạo luật nghiêm ngặt, cùng sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ nhằm giữ vững giá trị văn hóa truyền thống.
Khi dạo bước trên những con phố của Lisbon hay Porto, bạn sẽ được đắm mình trong không gian nghệ thuật với những bức tranh gạch sơn sống động, kể câu chuyện hàng thế kỷ của đất nước. Nếu có cơ hội, bạn có thể tham gia một xưởng làm Azulejo truyền thống để tự tay sáng tạo và mang về những kỷ vật độc đáo.