Những ai quan tâm đến kiến trúc Nhật Bản có lẽ từng thắc mắc vì sao nhiều công trình nhà ở tại đây lại mang phong cách độc đáo, thậm chí có phần “kỳ lạ” so với chuẩn mực thông thường. Tại sao những thiết kế này không tuân theo bất kỳ quy tắc truyền thống nào nhưng vẫn được chấp nhận rộng rãi? Để giải đáp cho sự sự nổi loạn trong kiến trúc nhà ở Nhật Bản này, chúng ta cùng tìm hiểu quan điểm của Alastair Townsend – nhà đồng sáng lập Tokyo Architects BAKOKO, chuyên gia có nhiều nghiên cứu sâu sắc về kiến trúc Nhật Bản.
Tư duy sáng tạo và bối cảnh thị trường
Nhật Bản được biết đến với những thiết kế nhà ở mang tính đột phá. Theo Townsend, sự đổi mới này không chỉ xuất phát từ tinh thần sáng tạo của các kiến trúc sư trẻ mà còn chịu ảnh hưởng từ đặc trưng của thị trường bất động sản Nhật Bản. Trên các diễn đàn kiến trúc, không khó để bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà có thiết kế phi truyền thống: cầu thang và ban công không có lan can, không gian mở hoàn toàn hoặc thậm chí không hề có cửa sổ.
Những thiết kế “không tưởng” này không chỉ phản ánh sự khác biệt trong tư duy kiến trúc mà còn thể hiện lối sống đặc trưng của người Nhật. Nhật Bản có tỷ lệ kiến trúc sư trên đầu người cao hơn nhiều quốc gia khác, và sự cạnh tranh khốc liệt đã tạo động lực để các KTS trẻ dám thử nghiệm những ý tưởng táo bạo. Nhưng điều gì đã khiến khách hàng của họ chấp nhận những lựa chọn đầy rủi ro này?
Người tiên phong cần khách hàng tiên phong
Những ngôi nhà phi truyền thống đòi hỏi những chủ nhân dám chấp nhận rủi ro. Đây không nhất thiết phải là những biệt thự xa hoa, mà thường chỉ là những căn nhà nhỏ tầm trung – nơi thể hiện tư duy thiết kế tiên phong mà ít ai ngờ tới. Sự khác biệt này có lẽ bắt nguồn từ chính văn hóa và tư duy của người Nhật, nơi mà việc thử nghiệm những điều mới lạ không chỉ giới hạn trong nghệ thuật hay công nghệ, mà còn lan sang cả không gian sống hàng ngày.
Trái lại, ở phương Tây, những ngôi nhà có thiết kế quá độc đáo thường bị xem là rủi ro đầu tư. Việc sở hữu một công trình quá khác biệt có thể làm giảm giá trị bán lại, vì thị trường chuộng các thiết kế phổ biến, dễ tiếp cận hơn. Chính vì thế, nhiều khách hàng phương Tây thường hạn chế thể hiện cá tính mạnh mẽ trong thiết kế nhà ở. Đây có lẽ là lý do khiến kiến trúc Nhật Bản trở nên đặc biệt – một nơi mà sự khác biệt không chỉ được chấp nhận mà còn được khuyến khích.
Tư duy về giá trị nhà ở: Sự nổi loạn trong kiến trúc nhà ở Nhật Bản so với phương Tây
Trong khi phương Tây xem nhà ở như một tài sản lâu dài, có thể gia tăng giá trị theo thời gian, thì tại Nhật Bản, quan điểm này hoàn toàn trái ngược. Phần lớn người Nhật không có nhu cầu bán nhà, bởi lẽ giá trị bất động sản của họ suy giảm rất nhanh. Theo nghiên cứu của Viện Nomura, trung bình một ngôi nhà tại Nhật mất toàn bộ giá trị sau 15 năm và thường bị phá bỏ sau khoảng 30 năm. Điều này không chỉ tạo ra áp lực kinh tế cho các gia đình mà còn góp phần vào mức suy giảm GDP hàng năm khoảng 4%, chưa kể lượng rác thải xây dựng khổng lồ.
Mặc dù dân số giảm, thị trường nhà ở Nhật vẫn phát triển mạnh với tỷ lệ 87% giao dịch liên quan đến nhà mới, cao hơn hẳn so với mức 11 – 34% tại phương Tây. Lý do chính nằm ở tư duy coi trọng cái mới. Nhật Bản thường xuyên hứng chịu động đất, khiến người dân không kỳ vọng vào tuổi thọ công trình. Quan điểm về sự tạm thời đã ăn sâu vào văn hóa, điển hình như truyền thống xây mới đền Ise Shinto mỗi 20 năm. Tuy nhiên, chính thói quen “đập đi xây lại” này đã khiến giá trị nhà ở không thể duy trì.
Sau Thế chiến II, Nhật Bản bước vào giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng, với nhiều ngôi nhà gỗ giá rẻ, chất lượng thấp, không cách nhiệt hay gia cố chống động đất. Những công trình này không đạt tiêu chuẩn an toàn, việc cải tạo tốn kém hơn xây mới, dẫn đến xu hướng phá bỏ và xây lại.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng bong bóng kinh tế thập niên 1980 đã khiến giá nhà đất lao dốc, làm thay đổi hoàn toàn tư duy đầu tư bất động sản tại Nhật. Nhà ở không còn là tài sản tích lũy lâu dài mà chỉ đơn thuần là nơi ở, với giá trị chính nằm ở quyền sở hữu đất. Chính phủ cũng duy trì các chính sách bình ổn giá đất, củng cố tâm lý rằng nhà ở không phải khoản đầu tư sinh lời.
Ngày nay, hầu hết các công trình tại Nhật được xây dựng bằng cấu kiện đúc sẵn, dù chất lượng có cải thiện, nhưng tâm lý mất giá vẫn là mặc định. Việc cải tạo nhà không phổ biến như phương Tây, nơi việc mua đi bán lại nhà diễn ra thường xuyên.
Một đặc điểm khác biệt của thị trường Nhật là nhiều người trẻ, dù lần đầu sở hữu nhà, vẫn tìm đến kiến trúc sư để thiết kế không gian sống theo nhu cầu cá nhân. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng họ sẽ gắn bó trọn đời với căn nhà đó, thay vì xem nó là khoản đầu tư để trao đổi trong tương lai.
Tác động của thị trường bất động sản đến sự nổi loạn trong kiến trúc nhà ở Nhật Bản
Sự biến động của thị trường bất động sản tại Nhật Bản đã ảnh hưởng đáng kể đến định hướng kiến trúc của quốc gia này. Khi giá trị bất động sản không được đảm bảo ổn định, việc duy trì cảnh quan đô thị chung, bao gồm bảo tồn mảng xanh hay hạ ngầm hệ thống dây điện, gặp nhiều trở ngại.
Tại Nhật Bản, sự linh hoạt trong xây dựng nhà ở phản ánh rõ nét phong cách sống, sở thích cá nhân và mong muốn của gia chủ. Điều này tạo nên một môi trường đầy cảm hứng cho các kiến trúc sư cùng khách hàng của họ thử nghiệm những giới hạn sáng tạo trong thiết kế. So với châu Âu và Mỹ, các kiến trúc sư Nhật ít đối mặt với kiện tụng hơn, giúp họ có thể mạo hiểm và khám phá những ý tưởng táo bạo.
Bên cạnh đó, thế hệ gia chủ trẻ tại Nhật Bản thường cởi mở trước các đề xuất kiến trúc đột phá, xem đó như một cơ hội để trải nghiệm những phong cách sống mới. Dù những quyết định này ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của họ, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Vào khoảng năm 2013, nhiều gia đình làm công ăn lương tại Nhật phải đối diện với thực tế rằng khoản đầu tư vào ngôi nhà có thể mất giá nhanh chóng chỉ sau 15 năm, dù họ đã dành dụm cả đời để sở hữu nó. Tuy nhiên, nhu cầu về một nơi sinh sống vẫn luôn hiện hữu, buộc họ phải chấp nhận những bất ổn của thị trường. Chính sự chấp nhận này đã thúc đẩy tinh thần “tự do phá cách” trong kiến trúc, dù nhiều ngôi nhà có thể không tồn tại lâu dài.